Ngộ độc thực phẩm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách sơ cứu

Ngộ độc thực phẩm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách sơ cứu
Ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta. Vì thế, các bạn cần biết cách phòng tránh và xử lý nhanh khi bị ngộ độc để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

1. Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn  hay trúng thực là một biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống phải những thực phẩm bị nhiễm độc, thức ăn ôi thiu, có chứa chất bảo quản, chất phụ gia…

Người bị ngộ độc thực phẩm thường có các biểu hiện lâm sàng như đau bụng, chóng mặt, nôn mửa, sốt, tiêu chảy, ....

Ngộ độc thực phẩm khiến người bệnh mệt mỏi cả về mặt thể chất và tinh thần. 

ngộ độc thực phẩm là gì

Người bị ngộ độc thực phẩm thường có các biểu hiện lâm sàng như đau bụng, chóng mặt, nôn mửa, sốt, tiêu chảy, .... (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

Nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm là do ăn, uống thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn hoặc bị ô nhiễm hóa học (độc tố vi nấm, kim loại,....). Ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện vào mùa hè vì mùa hè nhiệt độ cao, tạo thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi và phát triển trên thức ăn, đặc biệt là các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa,....

Bên cạnh đó, vì mục đích lợi nhuận, người sản xuất và bán hàng đã không ngại sử dụng các chất hóa học độc hại như thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng trong rau quả, chất bảo quản trong rất nhiều loại thực phẩm, chất phụ gia, phoóc-môn... Đây là những chất rất độc hại đối với cơ thể, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ngộ độc thực phẩm. 

3. Triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Những dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc thực phẩm mà bạn có thể thấy rõ như:

- Đau bụng

- Buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy

- Cảm thấy người mệt mỏi không có năng lượng

- Sốt

- Không muốn ăn

- Ớn lạnh

Với những trường hợp bị ngộ độc thức ăn nặng bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời. Những dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm nặng phải kể đến như:

- Nôn ra máu hay đi cầu ra máu

- Bị ói mửa thường xuyên, liên tục

- Nhiệt độ trong miệng cao hơn mức 38,6 độ C

- Có những cơn đau bụng dữ dội

- Cảm thấy khát nước liên tục, miệng khô, đi tiểu ít, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt

- Tầm nhìn bị ảnh hưởng

- Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày

- Rối loạn thần kinh, rối loạn nhịp tim

4. Các dạng ngộ độc thực phẩm và biểu hiện


Theo các chuyên gia nghiên cứu, ngộ độc thực phẩm có thể chia làm 2 loại là ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính.

Ngộ độc cấp tính là dạng ngộ độc phát tác ngay sau khi ăn với những biểu hiện như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài... Thậm chí, một số trường hợp ngộ độc thức ăn không được cấp cứu kịp thời còn có thể dẫn đến tử vong.

Ngộ độc mãn tính là dạng ngộ độc không có dấu hiệu rõ ràng và không phát tác ngay sau khi ăn. Ở dạng này, các chất độc sẽ tích tụ ở các bộ phận trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, về lâu dài sẽ dẫn đến ung thư và các bệnh tật nguy hiểm khác.

ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc cấp tính là dạng ngộ độc phát tác ngay sau khi ăn với những biểu hiện như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài...

5. Chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm và phòng tránh

Cả hai dạng ngộ độc trên đều gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta. Vì thế, các bạn cần biết cách phòng tránh và xử lý chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm đúng cách và nhanh nhất khi bị ngộ độc để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Với trường hợp ngộ độc cấp tính, chúng ta cần biết cách sơ cứu nhanh chóng để loại bỏ yếu tố gây độc ra khỏi cơ thể:

- Khi có các biểu hiện của ngộ độc cấp tính, các bạn cần áp dụng các biện pháp đẩy chất độc ra ngoài như nôn, dùng tay kích thích họng đẩy thức ăn và chất độc ra ngoài.

- Bổ sung nước kịp thời do người bị ngộ độc thường mất khá nhiều nước. Các bạn có thể bổ sung bằng nước lọc, uống oresol hay nước hoa quả…

- Sau khi sơ cứu mà tình trạng không tiến triển, chúng ta cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được các bác sĩ hỗ trợ.

Để tránh những hậu quả do ngộ độc mãn tính cũng như ngộ độc thực phẩm nói chung gây ra, cách tốt nhất là chủ động phòng tránh. Các bạn cần chú ý trong khâu lựa chọn và chế biến thực phẩm: chọn những thực phẩm có nguồn gốc an toàn, tươi mới, sơ chế sạch trước khi chế biến, có thể ngâm nước muối để loại bỏ bớt độc tố trong rau, trái cây, thực hiện ăn chín uống sôi để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

6. Người bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?

Người bị ngộ độc thực phẩm sau khi nôn hết  thức ăn ra bên ngoài sẽ thấy trong người hết sức mệt mỏi. Do đó người bệnh cần phải được chú ý và khi ăn không nên ăn các loại thực phẩm gây khó chịu. Một số loại thực phẩm người bị ngộ độc nên ăn như:

>>> Có thể bạn quan tâm: Người bị ngộ độc thực phẩm không nên ăn gì?

- Các loại thức ăn dễ tiêu hóa: Cơ thể mệt mỏi, đường ruột thường rất yếu khi bị ngộ độc. Vì vậy bạn nên lựa chọn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa như: Cháo, các loại trái cây mềm, bột yến mạch, khoai tây nghiền nấu chín...

- Nước: Như đã chia sẻ ở trên khi bị ngộ độc thực phẩm bạn sẽ thường xuyên bị nôn, tiêu chảy. Do đó cơ thể bị mất nước nhiều dẫn đến mất cân bằng điện giải. Vì vậy việc bổ sung nước lúc này là rất cần thiết, đồng thời bạn cũng có thể cho người bệnh uống oresol nhằm bổ sung chất điện giải cho cơ thể.

- Các loại thực phẩm chứa lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa: Bổ sung các loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột sau khi bị ngộ độc thức ăn là rất cần thiết, nó giúp cân bằng lại hệ vi sinh có trong đường ruột. Yogurt là loại thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn có lợi mà bạn có thể bổ sung cho cơ thể

Như vậy trên đây là một số chia sẻ giúp bạn hiểu hơn về ngộ độc thực phẩm những nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý người bị ngộ độc. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích đối với bạn đọc.


Tác giả: MN