Lý giải mọi thắc mắc về khám nội tiết tố ở phụ nữ

Lý giải mọi thắc mắc về khám nội tiết tố ở phụ nữ
Nhiều chuyên gia cho lời khuyên rằng, phụ nữ nên thường xuyên khám nội tiết tố để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, cụm từ này chưa thực sự phổ biến và nhiều người còn thắc mắc khám nội tiết là gì? Để hiểu hơn về vấn đề này, chị em hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé.

1. Một vài lưu ý cho chị em khi đi khám nội tiết tố

Khám nội tiết tố là một cuộc thăm khám cần thiết cho chị em để đưa ra những chỉ số liên quan đến hormone. Từ đó có những biện pháp cải thiện để bảo vệ sức khỏe bản thân. Trong một lần khám nội tiết tố, chị em sẽ được:

- Chẩn đoán nội tiết tố qua những biểu hiện bên ngoài cơ thể.

- Thực hiện các xét nghiệm cụ thể để nắm được những chỉ số FSH, testosterone, LH, estrogen hay prolactin trong máu, AMH …

- Xét nghiệm máu, kiểm tra hoạt động và khả năng dự trữ noãn của buồng trứng.

Mục đích khám nội tiết tố nhằm theo dõi hệ sinh sản của chị em, khảo sát sự phát triển của nang noãn trong thời kỳ rụng trứng. Đồng thời là cơ sở để chẩn đoán vô sinh, hiếm muộn ở phụ nữ.

Lý giải mọi thắc mắc về khám nội tiết tố ở phụ nữ - Ảnh 2.

Khám nội tiết tố giúp chị em đánh giá khả năng sinh sản và chức năng của buồng trứng (Ảnh: Internet)

2. Quy trình khám nội tiết tố

- Bước 1: Khám lâm sàng

Bác sĩ thăm khám bên ngoài để nhận định những dấu hiệu bất thường đồng thời lắng nghe những vấn đề mà chị em đang gặp phải.

- Bước 2: Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh qua các biểu hiện lâm sàng ban đầu và chỉ định thực hiện những kiểm tra, xét nghiệm cần thiết.

- Bước 3: Xét nghiệm

Chị em lần lượt thực hiện các xét nghiệm nội tiết theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

- Bước 4: Kết luận bệnh

Sau khi có các kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ kết luận tình trạng bệnh cụ thể và tư vấn cho chị em những biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mình một cách tốt nhất.

Lý giải mọi thắc mắc về khám nội tiết tố ở phụ nữ - Ảnh 3.

Khám nội tiết tố bao gồm 4 bước để kết luận chính xác tình trạng bệnh (Ảnh: Internet)

3. Khám nội tiết tố bao gồm những chỉ số xét nghiệm nào?

- FSH: Đây là một loại hormone sản xuất ra từ tuyến yên. Loại hormone này kích thích nang noãn trong buồng trứng phát triển và hoạt động theo chu kì cố định. Chỉ số FSH nên thực hiện nếu bạn có nguy cơ rối loạn tuyến yên hoặc suy giảm các hoạt động trong buồng trứng.

- LH: Hormone LH cũng giống với FSH được sản xuất ra ở tuyến yên dưới sự điều khiển của GnRH vùng dưới đồi.

- GnRH: Là loại hormone có khả năng tăng cường sự phát triển của tế bào trứng, kích thích sự rụng trứng theo chu kỳ chuẩn. Xác định chỉ số này giúp phát hiện sớm các hiện tượng bất thường tại buồng trứng.

- Estradiol (E2): Nồng độ E2 thấp nhất lúc có kinh và khi gặp phải hiện tượng bất thường trong nội tiết tố. Với chỉ số này, bạn có thể xác định được những vấn đề sức khỏe nguy hiểm cần xử lý.

- Progetsteron: Được tiết ra sau khi phóng noãn. Do đó đây là chỉ số quan trọng xác định sự phóng noãn có xảy ra hay không. Điều này rất quan trọng nếu bạn có ý định sinh em bé.

- Testosteron: Chỉ số này báo hiệu sự xuất hiện của các đặc tính sinh dục thứ phát.

- Prolactin: Bạn có thể xác định chỉ số này bất cứ khi nào trong chu kì kinh nguyệt. Bác sĩ thường chỉ định thực hiện xét nghiệm này nếu có hiện tượng chảy sữa ở ngực.

Phái nữ cần lưu ý, đi khám nội tiết tố ngay khi có những hiện tượng bất thường về sức khỏe. Đặc biệt chị em đang trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, sau sinh... là đối tượng cần thăm khám thường xuyên và định kỳ.

Tác giả: Minh Nghiêm