Lưu ý khi điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Lưu ý khi điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà
Nhiều người lựa chọn điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà nhưng không biết cách điều trị đúng để giảm các triệu chứng và ngăn chặn bệnh tiến triển. Vậy cần chú ý gì khi điều trị bệnh tại nhà?

Điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà chỉ nên áp dụng với các trường hợp bệnh nhẹ, mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho… Nếu người bệnh tiến triển nặng hơn kèm theo sốt, co giật thì cần nhanh chóng đến thăm khám tại bệnh viện. Khi điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà, người bệnh cần lưu ý:

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng

Khi điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà, người bệnh cần xác định được nguyên nhân gây bệnh để có thể điều trị tận căn nguyên. Bạn có thể thăm khám bác sĩ để có lời khuyên chi tiết trước khi điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà.

Viêm mũi dị ứng hay mắc phải là do một số tác nhân trong không khí như phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, bụi khói công nghiệp, lông thú, các loại hóa chất... Ngoài ra viêm mũi dị ứng cũng một phần do chất lạ trong thức ăn như sữa, trứng, các loại đậu, hải sản đều có thể gây dị ứng. Hoặc do các yếu tố tiền sử gia đình, yếu tố di truyền.

Khi xác định được nguyên nhân bạn nên hạn chế tối đa các tác nhân khiến bệnh nặng hơn. Từ đó có phương pháp điều trị hiệu quả.

2. Cách giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng tại nhà

Khi điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà, bạn nên thực hiện theo các phương pháp Tây Y, Đông Y hoặc phương pháp dân gian một cách kiên trì theo chỉ định của bác sĩ để giúp điều trị tận gốc các tác nhân gây bệnh, giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng tốt.

Thuốc Tây Y trong điều trị viêm mũi dị ứng được các bác sĩ chỉ định thường có thuốc kháng histamine để giảm triệu chứng, thuốc thông mũi dạng xịt hoặc dạng nhỏ chống viêm, thuốc corticoid điều trị bệnh nghiêm trọng.

Thuốc Đông Y sử dụng các thảo dược tự nhiên theo đơn kê của bác sĩ Đông Y. Các bài thuốc dân gian có thể sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, ép lấy nước nhỏ mũi hoặc xông mũi từ tỏi, gừng, lá lốt, lá ngải cứu, hoa ngũ sắc (hoa cứt lợn).

Những phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà trên cần được thực hiện theo các chỉ định của bác sĩ và dùng cho các trường hợp nhẹ. Khi bệnh nặng kèm theo triệu chứng như sốt thì cần thăm khám tại bệnh viện để có phương pháp điều trị phù hợp.

3. Lưu ý khi điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà

Lên kế hoạch phòng ngừa hạn chế các tác nhân làm bệnh nặng hơn:

Tránh tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng: tránh tiếp xúc với các vật hoặc môi trường gây dị ứng thì sẽ phòng ngừa không để các triệu chứng xảy ra. Vì vậy để cho một không gian an toàn chúng ta cần giữ nhà khô sạch, thoáng khí, hút bụi thường xuyên, không nuôi chó mèo, diệt chuột, gián, loại bỏ nấm mốc, những con mạt, những nơi thiếu ánh sáng, giày cũ, sách báo cũ, cây,...

Tăng cường sức đề kháng: Vào mùa lạnh bạn cần phải giữ ấm cơ thể đặc biệt là khu vực vùng cổ, ngực và mũi, không nên tắm nước lạnh.Tránh tiếp xúc trực tiếp với luồng gió máy lạnh, điều hòa việc này có thể làm tổn thương, làm khô niêm mạc mũi xoang.

Giải mẫn cảm đặc hiệu: Phương pháp này được thực hiện nhằm biết chính xác là dị ứng với loại kháng nguyên nào từ đó giúp cho cơ thể thích ứng dần với những kháng nguyên đó và không dị ứng nữa.

Khi điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà cần thực hiện theo các chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không tự ý sử dụng các loại thuốc không được chỉ định y khoa. Mong rằng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn và người thân trong phòng ngừa và điều trị bệnh viêm mũi dị ứng.


Tác giả: Phương Nguyễn