Lên kế hoạch dự phòng hen suyễn khi đi du lịch

Lên kế hoạch dự phòng hen suyễn khi đi du lịch
Bệnh hen suyễn không phải là vấn đề quá lớn khiến bệnh nhân phải từ bỏ các chuyến du lịch. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng nên có các kế hoạch dự phòng hen suyễn trước khi chuyến đi bắt đầu.

Kế hoạch dự phòng hen suyễn là điều bệnh nhân cần chuẩn bị trước khi đi du lịch. Nó sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các tình huống phát sinh trong chuyến đi. Vậy kế hoạch dự phòng hen suyễn khi đi du lịch cần chú trọng những vấn đề gì để không tái phát cơn hen?

1. Những điều bệnh nhân hen suyễn cần chuẩn bị trước khi đi du lịch

Bệnh nhân hen suyễn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước các chuyến đi du lịch. Cụ thể, bệnh nhân cần lên một kế hoạch dự phòng hen suyễn trước chuyến đi. Dưới đây là danh sách các vấn đề cần lưu ý trong kế hoạch dự phòng hen suyễn: 

Chuẩn bị về mặt thể chất: Thể chất có vai trò rất quan trọng trong các chuyến đi xa. Do đó, bệnh nhân cần chuẩn bị một sức khỏe tốt để đáp ứng tốt yêu cầu của hành trình. Ngoài ra, trước khi đi, bệnh nhân cũng nên có một cuộc kiểm tra thể chất tổng quát. Trong quá trình kiểm tra, bệnh nhân cũng cần nói rõ về tiền sử bệnh hen suyễn của mình. 

Kiểm tra thuốc của bạn: Mang theo đủ lượng thuốc cần thiết là lời khuyên cho bệnh nhân hen phế quản. Điều quan trọng là bệnh nhân nên giữ thuốc ở bên cạnh mình thay vì trong hành lý ký gửi.    

Mang đủ các thiết bị cần thiết: Ngoài thuốc men, bệnh nhân hen phế quản cũng cần mang theo các thiết bị y tế cần thiết. Chẳng hạn như buồng đệm hít hen suyễn, đồng hồ đo lưu lượng đỉnh, nhật ký theo dõi và các thiết bị khác.

Lên kế hoạch dự phòng hen suyễn khi đi du lịch - Ảnh 2.

Lập kế hoạch dự phòng hen suyễn cho trường hợp khẩn cấp: Cơn hen suyễn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong chuyến du lịch.

Do đó, bệnh nhân cần có kế hoạch để đối phó với các tình huống bất ngờ. Để chuẩn bị tốt kế hoạch dự phòng, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ. Các bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân về những việc cần làm trong trường hợp khẩn cấp.  

Đi chung với người thân hoặc bạn bè: Đi du lịch một mình là điều không được khuyến khích cho bệnh nhân hen suyễn. Bởi một người bạn đồng hành có thể giúp bệnh nhân xử lý các cơn hen xảy ra đột ngột.   

Lập kế hoạch cho chế độ ăn uống khi đi du lịch: Dị ứng thực phẩm là vấn đề khá phổ biến khi đi du lịch. Điều này còn nghiêm trọng hơn đối với các bệnh nhân hen suyễn, bởi dị ứng thức ăn chính là một trong những tác nhân làm kích thích cơn hen. Do đó, bệnh nhân nên cẩn thận với tất cả các món ăn mình sẽ dùng trong chuyến du lịch. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên thông báo những loại thực phẩm dị ứng cho nơi chuẩn bị thức ăn. 

Nắm rõ thông tin của các cơ sở y tế tại điểm đến: Rất nhiều vấn đề phát sinh phải cần đến sự can thiệp của cơ sở y tế. Do đó, bệnh nhân nên tìm hiểu về các thông tin cơ bản của bệnh viện hoặc phòng khám. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần đảm bảo bảo hiểm của mình sẽ chi trả được ở nơi mình đến.

2. Những vấn đề bệnh nhân hen suyễn cần quan tâm khi đi du lịch

Địa điểm đến là điều bệnh nhân hen suyễn cần quan tâm đầu tiên khi quyết định đi du lịch. Bởi mỗi khu vực sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến căn bệnh hen suyễn. Chẳng hạn như:

Núi, rừng: Đây là những nơi mà bệnh nhân phải tiếp xúc nhiều với côn trùng và phấn hoa. Do đó, trước khi đi, bệnh nhân cần chuẩn bị đầy đủ thuốc và các sản phẩm chông côn trùng. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên hạn chế thời gian ở ngoài trời khi đến những nơi này.

Bãi biển: Bãi biển thường an toàn hơn cho những người mắc bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần tránh ở ngoài nắng quá lâu và các loại hải sản gây dị ứng.

Nước ngoài: Trước khi đến một quốc gia mới, bệnh nhân nên tìm hiểu kỹ về điểm đến. Đặc biệt là về mức độ ô nhiễm, thức ăn và điều kiện y tế ở quốc gia đó.

Ngoài điểm đến, phương tiện di chuyển cũng là điều bệnh nhân hen suyễn cần lưu ý. Các vấn đề liên quan đến phương tiện di chuyển phổ biến nhất khi đi du lịch bao gồm:

Máy bay: Chất lượng không khí xấu là một vấn đề đối với bệnh nhân hen suyễn. Đặc biệt là khi chuyến bay có sự hạn chế về thiết bị có thể mang lên máy bay. Do đó, bệnh nhân cần thảo luận với hãng hàng không về tình trạng bệnh của mình trước khi đặt chỗ.   

Ô tô: Nếu di chuyển bằng ô tô, bệnh nhân cần đảm bảo khoang xe và ghế ngồi sạch sẽ. Bởi bụi bẩn và nấm mốc bám trên xe có thể khiến cơn hen bùng phát. Đồng thời, khi đi qua các khu vực có phấn hoa, bệnh nhân cũng nên đóng chặt cửa sổ và bật điều hòa.   

Tàu thuyền: Các chuyển du lịch bằng đường thủy có thể đi qua những nơi có nhiều phấn hoa và nấm mốc. Do đó, bệnh nhân nên chuẩn bị các phương án để đối phó với vấn đề này.

Chuyến du lịch có thể bị gián đoạn nếu bệnh nhân hen suyễn không chuẩn bị tốt cho chuyến đi.

Tác giả: Thùy Dung