Làm quá nhiều việc một lúc sẽ làm cạn kiệt năng lượng dự trữ của não bộ

Làm quá nhiều việc một lúc sẽ làm cạn kiệt năng lượng dự trữ của não bộ
Thói quen buổi sáng của bạn có bao gồm việc kiểm tra email, lướt Facebook, pha cà phê, kiểm tra thông báo mới, uống cà phê, rồi lại quay lại xử lý email công việc? Vô số hoạt động nhồi nhét vào buổi sáng của bạn, và sự chuyển đổi liên tục giữa chúng có thể sẽ khiến bạn rất mệt mỏi và ảnh hưởng tới não bộ.

Khi chúng ta cố gắng đa nhiệm (làm nhiều việc cùng một lúc), chúng ta không thực sự làm được nhiều hơn một việc cùng một lúc, mà chỉ là nhanh chóng chuyển đổi giữa các công việc mà thôi. Và việc chuyển đổi này sẽ nhanh chóng làm chúng ta kiệt sức tác động đến não bộ.

Daniel Levitin, giáo sư về Khoa học thần kinh hành vi tại Đại học McGill, Canada cho biết: "Chuyển đổi liên tục từ việc này sang việc khác khiến chúng ta nhanh chóng mệt mỏi hơn so với việc duy trì sự chú ý vào một điều duy nhất. Mọi người ăn nhiều hơn, uống nhiều caffeine hơn. Thường thì điều bạn thật sự cần vào lúc đó không phải là caffeine, mà là nghỉ ngơi một lát. Nếu bạn không nghỉ ngơi giữa mỗi vài giờ làm việc, thì não của bạn sẽ không thể hưởng lợi từ một tách cà phê".

Ảnh 1.

Khi chúng ta mệt mỏi, điều cần làm là nghỉ ngơi một chút chứ không phải là uống cà phê. (Ảnh: Reader's Digest)

Theo ông Levitin, các nghiên cứu chỉ ra rằng những người nghỉ ngơi khoảng 15 phút giữa mỗi vài giờ sẽ làm việc hiệu quả hơn và tốt cho não bộ hơn. Nhưng trong những giây phút nghỉ ngơi đó, bạn phải cho phép tâm trí lang thang, hoặc đi qua đi lại, nhìn ra ngoài cửa sổ, nghe nhạc hoặc đọc sách. Ông nói thêm: "Mọi người có nhiều cách tiêu khiển riêng. Tuy nhiên, lướt Facebook không nằm trong số đó". Mạng xã hội sẽ chỉ làm tăng sự mất tập trung, bởi vì bạn sẽ phải nhảy từ thông báo này sang thông báo khác.
Ảnh 2.

Trong những giây phút nghỉ ngơi, bạn phải cho phép tâm trí lang thang, hoặc đi qua đi lại, nhìn ra ngoài cửa sổ, nghe nhạc hoặc đọc sách. (Ảnh: moneliy)

Gloria Mark, giáo sư khoa Tin học tại Đại học California, Irvine, Mỹ, nói rằng khi con người bị gián đoạn, họ thường phải mất trung bình khoảng 23 phút để có thể trở lại với công việc, và hầu hết mọi người sẽ làm hai việc khác trước khi quay trở lại công việc ban đầu. Cô nói rằng, sự chuyển đổi này làm gia tăng mức độ căng thẳng, và cũng không có gì ngạc nhiên khi những người có tỷ lệ cao bị rối loạn thần kinh, bốc đồng, và dễ bị căng thẳng có xu hướng chuyển đổi việc đang làm nhiều hơn người khác.

Còn giáo sư Tâm lý học Hal Pashler tại Đại học California, San Diego, Mỹ thì chỉ ra rằng không phải tất cả đa nhiệm đều dẫn đến kiệt sức và tác động đến não bộ. Nếu như bạn đang làm một việc gì đó tự động, ví như giặt giũ bằng máy, thì việc tranh thủ đọc sách trong lúc chờ đợi là một lựa chọn hoàn hảo. Nhưng nếu cố gắng làm hai nhiệm vụ đầy thách thức cùng một lúc thì sẽ dẫn đến sự tiêu hao năng suất. "Bạn không thể cùng lúc làm hai nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung, dù là đơn giản" – ông nói thêm.

Giáo sư Mark tin rằng chúng ta đang bị hình thành thói quen kiểm tra email và mạng xã hội thường xuyên, và thói quen này rất khó bỏ. Nghiên cứu của Mark đã phát hiện ra rằng sau khi bị làm gián đoạn thường xuyên, khả năng tập trung của người ta sẽ ngắn lại, và họ bắt đầu tự làm gián đoạn chính mình bằng việc liên tục kiểm tra email và thông báo mới.

Giải pháp là từ bỏ việc đa nhiệm và dành thời gian riêng cho từng hoạt động riêng biệt. Vì vậy, hãy chỉ kiểm tra email của bạn vào buổi sáng trước khi làm việc, và rồi một lần nữa vào buổi trưa, và dành 10 phút buổi chiều cho Twitter.

Ảnh 3.

Hãy chỉ kiểm tra email hay Twitter vào một số thời điểm trong ngày. (Ảnh: David DeWolf)

Mark cũng tin rằng công nghệ có thể giúp chống lại sự xao nhãng, ví dụ như giao diện phần mềm buộc người dùng phải nghỉ giải lao sau mỗi vài giờ. Và khi nói tới các dự án dài hạn, Levitin nói rằng bạn nên dành 25 phút nghỉ ngơi giữa hai giờ làm việc. Nếu bạn cố gắng đa nhiệm và dành ít hơn 25 phút nghỉ ngơi cho một nhiệm vụ đầy thách thức, thì hiệu quả công việc nhiều khả năng sẽ không được như bạn mong đợi.
Tác giả: KP