Khản tiếng kéo dài: Coi chừng dấu hiệu ung thư thanh quản giai đoạn cuối

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Khản tiếng kéo dài: Coi chừng dấu hiệu ung thư thanh quản giai đoạn cuối
Ung thư thanh quản giai đoạn cuối được đánh giá là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm, mọi phương pháp điều trị chỉ làm giảm đau đớn và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, rất nhiều người không có những biểu hiện ở giai đoạn sớm mà chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư thanh quản một khi đã trở nặng và diễn biến đến giai đoạn cuối thì việc điều trị dường như vô cùng khó khăn đối với bệnh nhân, đe dọa nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.

Mặc dù vẫn biết rằng, phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu có cơ hội cứu chữa hơn giai đoạn muộn. Tuy nhiên bệnh ung thư thanh quản đôi khi diễn biến âm thầm, rất khó nhận biết. Thậm chí đến giai đoạn cuối, bệnh vẫn khiến bệnh nhân nhầm lẫn với những căn bệnh khác như đau họng, viêm amidan..

Nhiều trường hợp phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối, biến chứng bệnh lớn. Vậy ung thư thanh quản giai đoạn cuối có những dấu hiệu nào?

Phụ thuộc vào vị trí, kích thước khối bệnh nhân mắc ung thư thanh quản sẽ có những triệu chứng khác nhau. Có thể kể đến một số triệu chứng thường gặp của bệnh nhân mắc ung thư thanh quản là:

1. Khản tiếng kéo dài

Khản tiếng không còn là một biểu hiện xa lạ đối với nhiều người. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn khản tiếng, viêm họng, viêm amidan nhưng nếu triệu chứng kéo dài trên 3 tuần, sử dụng thuốc không có hiện tượng giảm nhẹ thì nên đi khám ngay vì đây có thể là triệu chứng cảnh báo bạn đang mắc ung thư thanh quản giai đoạn cuối.

Đối với những bệnh nhân ung thư thanh quản giai đoạn cuối hiện tượng khản tiếng kéo dài và nguy cơ mất giọng nói là rất cao.

2. Khó thở

Khó thở là một trong những dấu hiệu ung thư thanh quản giai đoạn cuối. Nếu bạn thường xuyên có cảm giác khó thở ngay cả khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi thì bạn nên đi tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ, chuyên gia y tế. Hiện tượng khó thở có thể do những khối u phát triển nhanh gây chèn ép hệ thống dẫn khí.

3. Đau, vướng khi nuốt

Hiện tượng nuốt vướng, đau có thể là dấu hiệu ung thư thanh quản giai đoạn cuối. Lý giải nguyên nhân này các chuyên gia cho biết những khối u trong thanh quản phát triển lớn gây chèn ép sang thực quản gây cảm giác đau vướng cho bệnh nhân khi ăn.

4. Nổi hạch

Theo thống kê, có đến 80% bệnh nhân bị ung thư thường phát sinh khối u. Những khối u này rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu, bệnh nhân không thể quan sát bằng mắt thường mà phải nhờ đến sự can thiệp của chuyên gia y tế. Tuy nhiên, khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, các khối u này tăng nhanh về số lượng lẫn kích thước, dễ dàng nhìn thấy, chạm vào có cảm giác đau, đôi khi không đau. Đây được cho là biểu hiện điển hình của ung thư thanh quản giai đoạn cuối.

5. Biểu hiện toàn thân

Khi ung thư thanh quản chuyển sang giai đoạn cuối, bệnh nhân thường có những biểu hiện trên toàn thân do các khối u di căn đến bộ phận khác trên cơ thể:

+  Khối u di căn đến gan gây hiện tượng vàng da, nổi mụn, da mẩn ngứa.

+ Khối u di căn xương gây hiện tượng nhức xương, tăng nguy cơ gãy xương.

+ Khối u di căn dạ dày gây ra hiện tượng buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi, ăn không tiêu..

+ Khối u di căn não gây hiện tượng suy giảm trí nhớ, chức năng hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng…

Bệnh ung thư nói chung và ung thư thanh quản nói riêng thường tiên lượng xấu khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối. Cơ thể thường sẽ có những biểu hiện rất nhỏ khi mắc bệnh, bạn hãy chú ý và đừng bỏ qua những triệu chứng dù rất có thể, nó chỉ là một hiện tượng của căn bệnh thông thường nào đó. Việc phát hiện và điều trị ung thư thanh quản giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.


Tác giả: Thanh Thanh