Hạ đường huyết do rượu và cách xử trí

Hạ đường huyết do rượu và cách xử trí
Uống rượu có thể gây hạ đường huyết, đặc biệt thường gặp ở những người bị bệnh tiểu đường. Hạ đường huyết do rượu có thể phòng ngừa bằng một số biện pháp.

Rượu được hấp thu rất nhanh và dễ dàng qua ruột non. Sau khi được hấp thụ, rượu sẽ di chuyển theo máu đến gan, nơi nó bị phân hủy và biến thành nước (được đào thải qua nước tiểu), carbon dioxide (được đào thải qua phổi) và chất béo (được lưu trữ trong cơ thể). 

Thông thường, người ta sẽ quan tâm nhiều đến việc rượu ảnh hưởng như thế nào tới gan, nhưng rượu có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng thể theo nhiều cách, trong đó có thể gây hạ đường huyết, đặc biệt ở những người bị tiểu đường.

1. Tại sao rượu gây hạ đường huyết?

Rượu có thể làm hạ đường huyết - cơ chế đằng sau tác dụng này liên quan đến gan.

Gan là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định lượng đường trong máu. Nó thực hiện điều này bằng cách hoạt động như một nguồn dự trữ carbohydrate. Khi chúng ta ăn, gan sẽ lưu trữ đường dưới dạng glycogen, chất này có thể giải phóng khi cần thiết để giữ cho mức năng lượng của cơ thể ổn định.

Khi chúng ta không ăn qua đêm và giữa các bữa ăn, gan sẽ biến glycogen dự trữ thành glucose và giải phóng nó vào máu. Quá trình này cho phép cơ thể duy trì lượng đường trong máu.

Gan cũng rất cần thiết trong việc giải độc cơ thể. Nó phân hủy các chất độc, chẳng hạn như rượu, thành các thành phần mà thận sẽ bài tiết.

Tuy nhiên, vấn đề sẽ nảy sinh nếu gan phải lựa chọn giữa việc cân bằng lượng đường trong máu và giải độc vì nó không thể thực hiện những hành động này cùng một lúc. Nếu cơ quan phải lựa chọn giữa việc duy trì lượng đường trong máu hoặc giải độc rượu, gan sẽ chuyển hóa rượu. Nếu nó không thể hoàn thành vai trò duy trì lượng đường trong máu vào thời điểm đó, một người có thể bị hạ đường huyết.

Ngoài ra, nếu một người uống rượu khi bụng đói hoặc khi lượng đường trong máu đã xuống thấp, điều đó sẽ làm tăng khả năng bị hạ đường huyết.

Hạ đường huyết do rượu và cách xử trí - Ảnh 2.

Cơ chế của việc hạ đường huyết do rượu liên quan đến gan (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Uống rượu khi đang dùng thuốc có ảnh hưởng gì không?

Ăn gì trước khi uống rượu bia để không bị say?

2. Triệu chứng hạ đường huyết

Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm:

- Buồn ngủ

- Nói lắp

- Lú lẫn

- Cảm thấy run rẩy

- Tim đập nhanh

- Choáng váng hoặc chóng mặt

- Cảm thấy đói

- Buồn nôn

- Đau đầu

- Co giật

Điều đáng chú ý là nhiều triệu chứng trong số này cũng là dấu hiệu của việc say rượu. Do vậy, khiến việc xác định xem ai đó bị hạ đường huyết hay say rượu trở nên khó khăn hơn.

Hạ đường huyết nghiêm trọng xảy ra khi ai đó có lượng đường trong máu rất thấp. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến mất ý thức và hôn mê. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức để xác nhận chẩn đoán này và nhận được phương pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên, các tình trạng khẩn cấp này thường liên quan đến người bị tiểu đường.

Hạ đường huyết do rượu và cách xử trí - Ảnh 3.

Run rẩy, tim đập nhanh, cảm thấy đói là những triệu chứng phổ biến của hạ đường huyết (Ảnh: Internet)

3. Cách xử trí khi bị hạ đường huyết do rượu

Thông thường, khi bị hạ đường huyết thì bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu carbohydrate như chuối, bưởi, táo, yến mạch, khoai lang,... 

Tuy nhiên, hạ đường huyết do rượu phổ biến hơn ở những người bị bệnh tiểu đường, mà những đối tượng này có thể gặp nguy hiểm khi lượng đường xuống thấp. Do vậy, những người mắc bệnh này phải điều trị hạ đường huyết ngay lập tức. Nếu xét nghiệm máu cho thấy hạ đường huyết trong khoảng 55–69 mg/dL, bạn nên ăn 15 gam carbohydrate và sau đó kiểm tra lại lượng đường trong máu sau 15 phút.

Nếu lượng đường trong máu của bạn vẫn ở dưới mức bình thường, bạn nên tiếp tục tiêu thụ 15 gam carbohydrate và kiểm tra lại lượng đường trong máu sau 15 phút cho đến khi đạt được mức mục tiêu. Đây được gọi là Quy tắc 15.

Khi lượng đường trong máu của người đó ở mức an toàn, nên ăn một bữa ăn nhẹ hoặc bữa chính để tránh lượng đường trong máu giảm trở lại.

Nếu lượng đường trong máu dưới 55 mg/dL, điều quan trọng là bạn phải nhận trợ giúp y tế càng sớm càng tốt.

4. Cách ngăn ngừa hạ đường huyết do rượu

Bằng một vài biện pháp, bạn có thể ngăn ngừa hạ đường huyết do rượu như:

- Ăn trước khi uống: Nếu bạn uống khi bụng đói, gan sẽ không thể giải phóng glucose vào máu. Điều này sẽ làm giảm lượng đường trong máu của bạn, do đó làm tăng nguy cơ bị hạ đường huyết. Vì vậy, trước khi uống rượu, hãy đảm bảo rằng bạn ăn những thực phẩm chủ yếu chứa carbohydrate.

- Uống vừa phải: Bạn không nên uống quá nhiều rượu. Nguy cơ hạ đường huyết đặc biệt cao hơn đối với những người nghiện rượu và uống quá nhiều rượu.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng một người đàn ông trưởng thành không nên uống nhiều hơn hai ly tiêu chuẩn mỗi ngày. Mặt khác, phụ nữ không nên uống nhiều hơn một ly tiêu chuẩn mỗi ngày. Trong đó, 1 ly rượu tiêu chuẩn = 355ml bia hoặc 148ml rượu vang hoặc 29,57ml rượu chưng cất như rượu rum, rượu whisky,...

- Uống với tốc độ chậm hoặc vừa phải: Bạn nên uống từ từ cùng lúc đó nhâm nhi cùng với đồ ăn.

- Nếu bạn bị tiểu đường nên theo dõi lượng đường trong máu, chuẩn bị sẵn viên glucose và glucagon để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Hạ đường huyết do rượu và cách xử trí - Ảnh 4.

Khi uống rượu bạn không nên để bụng đói (Ảnh: Internet)

5. Câu hỏi liên quan

- Rượu có gây tăng đường huyết không?

Rượu cũng có khả năng làm tăng lượng đường trong máu. Nhiều đồ uống có cồn như bia, rượu vang và cocktail đều chứa đủ lượng carbohydrate để tăng lượng đường trong máu. Việc tiêu thụ rượu cũng làm tăng cảm giác thèm ăn và giảm khả năng tự chủ. Điều này có nghĩa là bạn có nhiều khả năng ăn một lượng lớn thực phẩm giàu carb trong khi uống rượu, điều này có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao.

- Rượu có tương tác với thuốc trị tiểu đường không?

Rượu có thể cản trở tác dụng của một số loại thuốc trị tiểu đường, khiến bạn có nguy cơ bị lượng đường trong máu thấp hoặc lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết), tùy thuộc vào lượng bạn uống và loại thuốc bạn dùng. Vì vậy, khi đang sử dụng bất kể thuốc gì, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống rượu, có rất nhiều loại thuốc tương tác với rượu.

Nguồn tham khảo:

1. How Does Alcohol Affect Blood Sugars and Cause Hypoglycemia?

2. What to know about alcohol and hypoglycemia

3. Alcohol and Hypoglycemia

4. How Alcohol Affects Blood Sugar


Tác giả: Vân Anh