Giật mình với dự báo tỉ lệ mắc sốt xuất huyết của Việt Nam 2018

Giật mình với dự báo tỉ lệ mắc sốt xuất huyết của Việt Nam 2018
Năm 2017, đại dịch sốt xuất huyết bùng nổ trên diện rộng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với người dân. Sang năm 2018, khi vừa bước vào đầu quý I, tỉ lệ mắc sốt xuất huyết đã tăng nhanh và có những diễn biến mới đáng lo ngại.

1. Tình hình phát triển dịch bệnh quý I/2018

Phát động chiến dịch hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết tại TP HCM sáng 5/5, giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, năm 2017 dịch bệnh diễn biến phức tạp và tăng cao ở nhiều tỉnh thành. 

Hơn 50% số ca bệnh mắc sốt xuất huyết nhập viện của Việt Nam thuộc các tỉnh miền Nam. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong số 30 quốc gia có mật độ lưu hành sốt xuất huyết cao nhất thế giới.

TP HCM nhờ chủ động triển khai sớm các hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin để xác định phạm vi ổ dịch, phối hợp phòng bệnh nên số mắc bệnh giảm. 

Ảnh 1.

Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trong năm 2018 tuy giảm nhưng không nên chủ quan (Ảnh: Internet)

Năm 2017 toàn thành phố có 19.500 ca bệnh nhập viện, giảm 11% so với năm trước. Tiếp tục duy trì những nỗ lực kiểm soát dịch, 4 tháng đầu năm 2018 số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện là hơn 3.000, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2017.

Đây là đợt hoạt động cao điểm nhằm loại bỏ, xử lý các vật chứa có thể chứa nước làm nguồn sinh sản cho muỗi khi mùa mưa đến, xử lý, xoá các điểm nguy cơ, giảm nguồn sinh sản của muỗi trên toàn thành phố. 

Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình nên dành 10-15 phút hàng tuần để tìm và diệt các ổ lăng quăng trong nhà, xung quanh nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh sốt xuất huyết. Theo giáo sư Bỉnh, với diễn biến thời tiết phức tạp, mưa rào kèm nắng nóng, đặc điểm sinh địa cảnh TP HCM rất thuận lợi cho muỗi sinh sản nên nguy cơ mùa dịch 2018 đến sớm và khó tránh khỏi phát sinh các ổ dịch lây lan, kéo dài. 

Vì vậy thành phố tổ chức lễ phát động sớm một tháng so với các năm trước để chủ động đáp ứng diễn biến phức tạp của thời tiết.

2. Phòng ngừa sốt xuất huyết như thế nào?

- Cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. 

- Thay nước ở các bình hoa, thả muối vào chén nước kê chân chạn. 

- Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn.

- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến...

Ảnh 2.

Dọn vệ sinh nơi ở, không để các vũng nước tồn đọng (Ảnh: Internet)

3. Biểu hiện khi mắc sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp nên một người có thể mắc bệnh 2-3 lần.

Ảnh 3.

Sốt cao là biểu hiện thường gặp khi bị mắc sốt xuất huyết (Ảnh: Internet)

Trường hợp nhẹ, người mắc sốt xuất huyết sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban. 

Nặng hơn, người bệnh có dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng... Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Theo Vnexpress

Tác giả: Phương Thuận