Đột quỵ tái phát nguy hiểm như thế nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nhi - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E
Đột quỵ tái phát nguy hiểm như thế nào?
Khoảng 18% bệnh nhân tai biến mạch máu não tử vong, trong khi đó 10,4% người mắc bệnh này tái phát trong vòng 3 tháng với tình trạng nguy kịch hơn. Chính vì vậy, đột quỵ tái phát là rất nguy hiểm.

Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai trên thế giới sau ung thư. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ não đang gia tăng ở mức đáng lo ngại ở cả hai giới và các lứa tuổi. Đột quỵ tái phát còn có những hậu quả nghiêm trọng hơn cơn đột quỵ đầu tiên mà mọi người cần phải đề phòng.

1. Nguy cơ dẫn đến đột quỵ tái phát

- Nguy cơ dẫn đến đột quỵ tái phát tùy thuộc vào cơ chế, nguyên nhân gây ra đột quỵ. Ước tính tỷ lệ tái phát khoảng 25% trong 5 năm đầu tiên. 

- Nếu nguyên nhân dẫn đến đột quỵ nguy hiểm hơn thì tỷ lệ này sẽ cao hơn. Những bệnh nhân có xơ vữa nặng ở các động mạch não thì nguy cơ đột quỵ tái phát có thể lên đến 20% trong năm đầu tiên.

2. Hậu quả của đột quỵ và đột quỵ tái phát

- Tỷ lệ tử vong chung của đột quỵ vào khoảng 10-20%. Tuy vậy gánh nặng thật sự chính là hậu quả tàn phế. Mức độ tàn phế có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ đột quỵ, tuổi, những bệnh mãn tính đi kèm…

- Các thống kê cho thấy, sau đột quỵ khoảng 30-40% bệnh nhân hồi phục tốt, chỉ có những khiếm khuyết nhẹ, có thể đi lại, sinh hoạt và thực hiện hầu hết các công việc trước đây từng làm.

- Khoảng 30% bệnh nhân có mức độ tàn phế trung bình, có thể tự sinh hoạt cá nhân nhưng không thể quay trở lại công việc ban đầu. Người bệnh có thể đi được nhưng phải nhờ vào sự trợ giúp của gậy, khung.

-  20% bệnh nhân còn lại với mức tàn phế nặng, hầu như phải nằm một chỗ trên giường bệnh, không thể tự chăm sóc bản thân, đòi hỏi người nhà phải hỗ trợ trong mọi sinh hoạt cá nhân.

- Tử vong có thể xảy ra trong thời gian nằm viện hoặc sau khi xuất viện liên quan các biến chứng thường gặp sau đột quỵ như bệnh nhân bị viêm phổi do hít sặc, vết loét da gây nhiễm trùng, dinh dưỡng kém hoặc có thể do đột quỵ tái phát sớm.

Chính vì vậy, đột quỵ tái phát là vô cùng nguy hiểm và cần phòng ngừa càng sớm càng tốt.

3. Phòng ngừa đột quỵ tái phát

- Đột quỵ tái phát có thể được phòng ngừa bằng cách kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân. Không ai có thể bảo đảm đột quỵ tái phát sẽ không xảy ra, nhưng khả năng này có thể giảm rõ rệt nếu được điều trị và phòng ngừa thích hợp.

- Nguy cơ đột quỵ tái phát là rất cao, đặc biệt trong 3 tháng đầu sau khi bị đột quỵ lần đầu tiên. Bệnh nhân cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, uống thuốc điều trị đầy đủ và đúng liều. 

- Các thuốc được chỉ định có thể bao gồm các thuốc giảm tình trạng xơ vữa mạch máu, thuốc chống kết hợp tiểu cầu, kháng đông và các thuốc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường...

- Ngoài ra, còn có những thuốc khác để hỗ trợ bệnh nhân cải thiện về mặt tinh thần và cảm xúc sau đột quỵ. Cần duy trì các thuốc phòng ngừa lâu dài, không nên tự ý dừng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ và phải tái khám đều đặn.

- Đối với các bệnh nhân chưa bị đột quỵ, nên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng để có thể phát hiện sớm bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, cholesterol trong máu cao và bệnh tim mạch.

- Khi các triệu chứng của đột quỵ xuất hiện trở lại, hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Việc điều trị cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Đừng chờ đợi cho các triệu chứng tự mất đi. Thông báo cho các thành viên trong gia đình hoặc những người xung quanh khi có những triệu chứng cảnh báo đột quỵ.



Tác giả: LPA