Điều trị ung thư vú bằng xạ trị có những tác dụng phụ nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Điều trị ung thư vú bằng xạ trị có những tác dụng phụ nào?
Mỗi một phương pháp điều trị ung thư vú khác nhau sẽ có những tác động khác nhau tới khối u trong cơ thể. Xạ trị ung thư vú, hoá trị hay phẫu thuật với những tác dụng của riêng từng phương pháp cũng đồng thời mang đến những tác dụng phụ không mong muốn.

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X-quang có năng lượng mạnh để ngăn cản và tiêu diệt các tế bào ung thư. 

Các tia bức xạ sẽ được chiếu thẳng vào khối u, vào các hạch bạch huyết và thành ngực để ngăn chặn ung thư vú di căn và giảm nguy cơ tái phát.

Tần suất điều trị ung thư vú bằng xạ trị khá cao, 5 lần 1 tuần. Với những liều bức xạ lớn hơn, thì có thể thực hiện 3 lần/tuần. Vì các tia năng lượng mạnh tác động liên tục và lâu dài lên cơ thể, nên xạ trị còn tồn tại khá nhiều tác dụng phụ.

1. Tác dụng phụ ngắn hạn khi điều trị ung thư vú bằng xạ trị

- Vùng da xạ trị bị kích ứng: Do các tia xạ trị có năng lượng mạnh được chiếu trực tiếp lên da, nên vùng da xạ trị sẽ bị "cháy". 

Sau vài lần xạ trị đầu tiên, da bắt đầu chuyển sang màu hồng và nhạy cảm hơn. Trong những lần xạ trị tiếp theo, da bị đỏ như cháy nắng. Da sẽ ngứa, phồng rộp, đau rát, bong tróc. Vùng da ngày càng tồi tệ hơn theo các đợt xạ trị.

- Lông vùng xạ trị bị rụng, ví dụ vùng cánh tay, vùng thành ngực.

- Tia xạ trị tác động lên các tuyến mồ hôi, khiến bạn ít đổ mồ hôi hơn.

- Mệt mỏi, căng thẳng, do tác động của xạ trị, cũng như do tần suất đi lại điều trị ung thư vú rất cao, làm ảnh hưởng đến thời gian, tâm trí và cuộc sống của bệnh nhân.

2. Tác dụng phụ dài hạn khi điều trị ung thư vú bằng xạ trị

- Để lại hình xăm: Thực chất đây là các vết đánh dấu vị trí khối u do bác sĩ để lại. Trước khi xạ trị, các bác sĩ mất rất nhiều thời gian để xác định khu vực cần điều trị. Xem xét xem tia xạ đã đến đúng vị trí hay chưa, và có làm ảnh hưởng đến mô khác hay không. Việc xăm đánh dấu vị trí giúp cho lần xạ trị sau diễn ra nhanh hơn và chuẩn xác hơn.

- Vùng da xạ trị sẽ bị xạm đi, và mất nhiều năm để có thể trỏe lại màu sắc bình thường. Da cũng sẽ dày hơn và săn chắc hơn.

- Các tia xạ gây tổn thương dây thần kinh, làm tê đau vùng ngực và tay.

3. Tác dụng hiếm gặp khi điều trị ung thư vú bằng xạ trị

- Nếu xạ trị điều trị ung thư vú được thực hiện sau khi loại bỏ hạch bạch huyết thì bạn có nguy cơ bị tắc nghẽn hạch bạch huyết, do xạ trị làm phù mạch bạch huyết. Cánh tay và nách bị sưng to.

- Xương sườn bị gãy do xương yếu và loãng.

- Mô phổi bị xơ, bị viêm.

- Tia bức xạ có thể làm tổn thương tim. 

- Tăng nguy cơ phát triển ung thư thứ phát, thường là bệnh ung thư bạch cầu.

Các triệu chứng của các tác dụng phụ trên thường là thở khó, thở gấp, đau ngực, khó nuối,... 

4. Đối phó với tác dụng phụ của xạ trị điều trị ung thư vú như thế nào?

- Mặc quần áo rộng rãi, mềm, dễ chịu để tránh tác động lên vùng da đang bị kích ứng. Nên mặc áo ngực loại mỏng, không có gọng.

- Xin ý kiến bác sĩ về những loại kem bôi, thuốc mỡ có thể sử dụng để làm dịu da.

- Khi tắm không nên chà xát da. Không gãi, không chườm nóng/lạnh lên vùng điều trị.

- Nghỉ ngơi, ăn uống khoa học, ngủ đúng giờ, dinh dưỡng cân bằng, tập thể dục,... để nâng cao sức khỏe, giúp chống chọi với bệnh tật tốt hơn.

- Cố giữ tinh thần luôn lạc quan vui vẻ.


Tác giả: Mai Nhung