Người trẻ có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm vì những thói quen không ngờ này

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Người trẻ có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm vì những thói quen không ngờ này
Thoát vị đĩa đệm ngày càng có xu hướng trẻ hóa cao do lối sống và thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều người trẻ lại chủ quan, thờ ơ với những triệu chứng đau lưng điển hình khiến bệnh ngày càng biến chứng nặng.

Là một bệnh lý về cột sống thường gặp, thoát vị đĩa đệm có thể khiến người bệnh đau nhức dữ dội vùng thắt lưng, thậm chí có tàn phế suốt đời nếu như không điều trị kịp thời. Nếu bạn cho rằng, thoát vị đĩa đệm chỉ có thể gặp ở người lớn tuổi, người già thì ngày nay, nhóm người trẻ mới là đối tượng chủ yếu của căn bệnh này. Bệnh đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa đáng báo động.

1. Ngồi lâu làm việc sai tư thế là nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi

Nhóm người trẻ từ 25-30 tuổi thường bị đau lưng tuy nhiên họ lại nghĩ rằng đó là triệu chứng thông thường. Chính tâm lý chủ quan khiến bệnh ngày càng trở nặng và biến chứng, trở thành mạn tính. 

Theo quan sát tại một phòng khám tư nhân, hơn 50% bệnh nhân ở độ tuổi này có dấu hiệu đau lưng là do thoát vị đĩa đệm gây ra. 

Đây là bệnh lý khá phức tạp, nếu không phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách có thể dẫn đến teo cơ, tàn phế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cộng việc và chất lượng cuộc sống.

2. Đối tượng nào dễ bị thoát vị đĩa đệm?

Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng nhân keo của đĩa đệm thoát khỏi màng bao xơ chèn ép vào tủy sống thần kinh, gây nên những cơn đau vùng cột sống. Không chỉ những người làm trong văn phòng mới bị thoát vị đĩa đệm, bệnh còn có thể gặp ở sinh viên, học sinh do ngồi nhiều ở giảng đường. 

Như vậy, có các nhóm đối tượng dễ bị thoát vị đĩa đệm bao gồm:

- Người lao động phải khuân vác thường xuyên, lao động nặng, cúi gập nhiều dễ bị thoát vị đĩa đệm nhất.

- Người phải đứng hoặc ngồi nhiều trong một tư thế như học sinh, sinh viên đi học ngồi sai tư thế. Đặc biệt là giới văn phòng thường xuyên ngồi làm việc hàng giờ bên máy tính nên hạn chế vận động. Không chỉ thế mà khi về nhà họ cũng lười vận động, lười tập thể dục cùng chế độ ăn uống không khoa học.

- Người có thói quen gối quá cao trong khi ngủ, đeo túi nặng lệch một bên trong thời gian dài.

- Vận động viên thể thao, diễn viên múa, diễn viên đóng xiếc,...chuyển đổi tư thế đột ngột và liên tục.

- Người mắc các bệnh lý bẩm sinh như gù vẹo, gai cột sống…. Ngoài ra, các chấn thương va đập do tai nạn hoặc trong lúc chơi thể thao nhưng không chữa trị triệt để có thể gây ra các tổn thương lâu dài ở cấu trúc đĩa đệm cột sống.

- Người béo phì cũng dễ bị thoát vị đĩa đệm do cột sống bị quá tải, dẫn đến đau thắt lưng, đĩa đệm nhanh bị thoái hóa và tổn thương

3. Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi có nguy hiểm không?

Nhiều người trẻ tuổi thường chủ quan với những cơn đau dọc vùng gáy hoặc thắt lưng. Chính sự chủ quan này khiến cho bệnh lý trở nên nặng hơn và khó điều trị, thậm chí gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bệnh chèn ép vào rễ thần kinh gây ra hiện tượng đau hoặc tê. 

Nếu thoát vị đĩa đệm chèn ép tủy cổ, người bệnh có thể bị tàn phế, liệt. Nếu ở vùng thắt lưng có thể khiến người bệnh không thể tự chủ trong việc đại tiểu tiện, teo cơ, mất khả năng lao động và khó khăn trong đi lại.

Bởi ai cũng có nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm, chính vì vậy cần có kiến thức để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bệnh tật bằng cách lao động khuân vác không quá nặng, nếu do tính chất công việc phải kết hợp tập luyện và ăn uống đúng cách. 


Tác giả: MN