Từ sự ra đi của những idol nhìn lại người giống họ, chú ý những dấu hiệu trầm cảm và đừng để họ cô đơn

Từ sự ra đi của những idol nhìn lại người giống họ, chú ý những dấu hiệu trầm cảm và đừng để họ cô đơn
Người bệnh trầm cảm thường trải qua quãng thời gian đau khổ với những suy nghĩ làm hại bản thân trước khi tự tử. Nếu bạn thấy người thân của bạn có những dấu hiệu trầm cảm dưới đây, hãy dành sự quan tâm và quan trọng là đừng để họ cảm thấy cô đơn.

 Sau Sulli, đến lượt Goo Hara, một idol tài năng và thành công của K-pop chọn cách tự tử để giải thoát cho mình. Giải thoát khỏi sự cô đơn, bệnh trầm cảm. Trước đó, họ đã có nhiều biểu hiện lạ thường từ hành động tới lời nói.

Bác sỹ Nancy B. Irwin, Chuyên gia tâm lý tại Los Angeles nhận định trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn người mắc bệnh rối loạn lo âu đến ý định tự tử. Vậy trầm cảm là như thế nào?

1. Bệnh trầm cảm thường rất dễ bị bỏ qua

Trầm cảm là một dạng bệnh rối loạn thường gặp trong tâm thần học. Nó khiến người bệnh rơi vào trạng thái buồn bã, mất hứng thú trong thời gian dài, ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, tâm trạng, hành vi của người bệnh. Trầm cảm có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào nhưng dễ xảy ra ở nữ giới hơn. Đặc biệt, trầm cảm sau sinh cũng là vấn đề rất cần được chú ý.

Ảnh 1.

Trầm cảm gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ngoài những ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, nó còn là nguyên nhân dẫn đến những hành vi xấu, thậm chí là tự tử. Một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra, có tới 48% số người mắc bệnh trầm cảm đã có ý định này.

Tuy dễ mắc nhưng căn bệnh này thường rất dễ bỏ qua bởi các dấu hiệu bệnh khá giống với các biểu hiện khi cơ thể mệt mỏi, stress... Hơn nữa, rất nhiều người lại chủ quan với căn bệnh trầm cảm nên không chú ý đến việc điều trị. Chính điều này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng sau đó.

2. Những dấu hiệu giai đoạn đầu của bệnh trầm cảm

Theo tài liệu phân loại bệnh tật quốc tế (ICD 10) và Bảng phân loại quốc tế bệnh tật (NXB Y học), một số dấu hiệu điển hình và dễ thấy nhất của bệnh trầm cảm bao gồm:

- Thích ở một mình, ngại giao tiếp: thường chỉ thích ở trong phòng một mình, không thích đến nơi đông người, thậm chí không muốn nói chuyện với ai.

- Nghiện mạng xã hội, không thích nói chuyện trực tiếp: các trường hợp này khi ở trên mạng xã hội sẽ nói nhiều nhưng ra cuộc sống bên ngoài thì hoàn toàn thu mình lại.

- Thường xuyên có cảm giác buồn chán, ủ dột: cảm giác này diễn ra liên tục và kéo dài khoảng vài tuần trở lên.

- Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi: ngay cả khi không làm việc nặng, chỉ ngồi một chỗ, người bệnh vẫn rơi vào trạng thái uể oải, thiếu sức sống.

- Mất tập trung, không muốn làm việc: không chỉ là do sức khoẻ, người bệnh còn mất hết hứng thú làm việc, không muốn động vào bất kì việc gì.

- Bi quan, tự cảm thấy bản thân vô dụng hay mắc tội lỗi nào đó: cảm giác mất hết niềm tin vào mọi chuyện trong cuộc sống.

- Dễ nổi nóng, cáu gắt: những người mắc trầm cảm thường rất dễ nổi giận vô cớ với người khác hay những sự việc rất nhỏ.

- Hay có cảm giác lo âu, bất an: sự lo âu này thường xuất phát từ những điều rất vô lý, thậm chí là không có thật, chỉ do người bệnh tự tưởng tượng ra.

- Mất ngủ hoặc ngủ rất nhiều: sự thay đổi đột ngột trong lối sống và sinh hoạt này cũng là dấu hiệu của trầm cảm và nó cũng là nguyên nhân dẫn đến các hệ quả tiếp theo về sức khoẻ cũng như tâm lý.

- Không còn hứng thú với các sở thích của mình nữa: không còn bất kì sự quan tâm nào với những sở thích của mình trước đây.

- Chán ăn hoặc trở nên ăn uống vô độ: dẫn đến tình trạng giảm cân đột ngột hoặc cân nặng tăng ngoài tầm kiểm soát.

- Nghĩ đến cái chết: dấu hiệu này không hề hiếm, gần như xảy ra ở một nửa số người mắc bệnh trầm cảm.

Trên đây là những dấu hiệu trầm cảm ở giai đoạn đầu, nếu không tỉnh táo nhận ra để cải thiện tình hình thì tình trạng bệnh sẽ đi tới giai đoạn nặng hơn. Vì thế, khi thấy mình mắc từ 5 dấu hiệu trở lên, hãy đi tới bác sĩ tâm lý ngay để thực hiện bài kiểm tra xác định mức độ bệnh và được điều trị kịp thời. Đồng thời, cũng đừng quên tâm sự với người thân và bạn bè để được giúp đỡ.

3. Đề phòng bệnh trầm cảm

Để phòng tránh bệnh trầm cảm, hãy chú ý quan tâm hơn đến cuộc sống của mình:

- Tránh làm việc, học tập quá sức... Sau một ngày mệt mỏi, các bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Vào cuối tuần, hãy ra ngoài gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động tập thể.

- Dành thời gian cho các sở thích của mình.

Ảnh 3.

- Không nên "giam mình" trong "thế giới ảo" mà hãy ra ngoài trò chuyện, tâm sự với mọi người nhiều hơn.

- Thường xuyên vận động, luyện tập cũng là cách để đề phòng bệnh trầm cảm.

*Lưu ý: Ngoài việc chú ý đến bản thân, mỗi người cũng nên quan tâm hơn đến mọi người xung quanh mình. Đôi khi, chính những người trong cuộc không thể biết được mình đang mắc bệnh trầm cảm nên sự quan tâm của mọi người là hết sức cần thiết. Điều đó sẽ giúp bạn vừa phòng tránh bệnh cho mình, vừa là cách để giúp đỡ mọi người xung quanh.

4. Những câu nói có thể giúp động viên tinh thần người bị trầm cảm đã được chuyên gia tâm lý thẩm định

Nếu bạn vẫn trăn trở chưa biết nên động viên người mắc bệnh trầm cảm bằng những câu nói gì, hãy tham khảo qua 8 câu nói sau đây. Những câu nói này cũng được xem là phương pháp giao tiếp phù hợp và an toàn cho những người đang mắc bệnh trầm cảm, đã được duyệt bởi Tiến sĩ tâm thần học Timothy Legg (giảng viên đại học, chuyên gia tâm lý, trị liệu bệnh nghiện, sức khỏe cộng đồng).

- Cậu có muốn tâm sự với mình một chút không? Mình sẽ luôn ở đây khi cậu sẵn sàng chia sẻ

- Mình có thể làm gì giúp cậu hôm nay không?

- Cậu thấy ổn chứ? Chia sẻ với mình một chút về cơn trầm cảm của cậu đi, có thể mình sẽ giúp được cậu đó!

- Mình biết mọi thứ cậu trải qua đều rất khó khăn, kể cho mình một chút những gì cậu đang phải đối mặt nào?

- Mình rất tiếc vì những gì cậu đang phải trải qua, nhưng hãy nhớ là mình luôn ở đây khi cậu cần

- Có thể mình không hiểu hết những gì cậu đang cảm nhận, nhưng mình vẫn ở đây để chắc chắn cậu không cô đơn

- Cậu rất quan trọng với cuộc sống của mình

Trầm cảm không phải tội lỗi nên đừng tự trách bản thân mình như thế!

5. Một số câu nói không nên nói với người mắc bệnh trầm cảm

- Nghĩ tích cực lên, cuộc đời tươi đẹp biết bao, mình không hiểu vì sao cậu phải buồn như thế? (Câu nói này có thể khiến người bị trầm cảm sinh ra cảm giác áy náy, vì nỗi buồn của họ bị xem là "vô cớ").

- Mọi thứ đều sẽ ổn thôi, mình hứa đấy! (Không ai có thể chắc chắn rằng bệnh trầm cảm có thể tốt hơn trong một sớm một chiều, những câu khẳng định như thế có thể khiến bệnh nhân thất vọng sau một thời gian).

- Mình đã tập yoga/ăn chay/cắt giảm lượng đường... và giờ thì mình khỏi bệnh hoàn toàn! Cậu cũng nên thử những điều giống mình. (Cách hiệu quả với bạn chưa chắc sẽ hiệu quả với người khác, nên hạn chế cho những lời khuyên thuộc trường phái kinh nghiệm. Các chuyên gia tâm lý dày dặn nhất sau khi thăm khám cũng phải mất rất nhiều công sức mới đúc kết được bệnh nhân thật sự cần gì).

- Ngoài kia có nhiều người còn kém may mắn hơn cậu đấy, đừng ngồi đó mà than phiền nữa. (Đây có lẽ là điều dễ gây tổn thương nhất cho những người mắc bệnh trầm cảm, bởi vì nó đẩy họ đến suy nghĩ rằng nỗi đau của mình không có giá trị, là vô lí và sẽ khiến họ cảm thấy tội lỗi, u uất hơn).

Tác giả: NNA