Đại tiện ra máu - Dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh trĩ

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Đại tiện ra máu - Dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh trĩ
Đại tiện ra máu là dấu hiệu bệnh trĩ có thể gặp ở bất kỳ đối tượng và lứa tuổi nào. Nếu tình trạng này không được can thiệp sớm có thể vây viêm loét, hoại tử hậu môn, hoặc những biến chứng nghiêm trọng khác.

1. Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ, hay còn được gọi là lòi dom, là các tĩnh mạch bị giãn rộng ở trực tràng và hậu môn. Đối với một số người, trĩ không gây triệu chứng. Nhưng ở những trường hợp nặng hơn, dấu hiệu bệnh trĩ có thể là ngứa, rát, chảy máu và khó chịu, đặc biệt là khi ngồi xuống.

Có 2 loại bệnh trĩ: Bệnh trĩ nội phát triển trong trực tràng của bạn, và bệnh trĩ ngoại phát triển xung quanh lỗ hậu môn, bên dưới da. 

Cả trĩ nội và ngoại đều có thể trở thành trĩ huyết khối. Trĩ huyết khối có nghĩa là một cục máu đông hình thành bên trong tĩnh mạch. Bệnh trĩ huyết khối không nguy hiểm, nhưng chúng có thể gây đau nhiều và viêm nặng. Bệnh trĩ nội, ngoại và huyết khối đều có thể gây đại tiện ra máu.

2. Tại sao bệnh trĩ gây đại tiện ra máu?

Bệnh nhân bị bệnh trĩ thường phát hiện chảy máu ở hậu môn sau mỗi lần đại tiện. Máu có thể lẫn với phân, hoặc có thể thấm ở trên giấy vệ sinh. Máu có thể ít, cũng có khi chảy thành giọt hoặc thành tia.

Bề mặt cái búi trĩ vốn là đoạn trực tràng bị sưng phồng, rất mỏng và dễ bị tổn thương. Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ lại thường là do chứng táo bón. Việc khó đi tiêu, rặn mạnh, phân to và cứng có thể làm trầy xước bề mặt ống hậu môn, hoặc làm trầy xước búi trĩ, khiến nó bị chảy máu. Điều này xảy ra với cả trĩ nội và trĩ ngoại. 

Búi trĩ thường tiết dịch làm ẩm ướt vùng hậu môn, dễ gây viêm nhiễm, lở loét, cũng là 1 trong những nguyên nhân gây ra chảy máu.

Đối với bệnh nhân bị bệnh trĩ huyết khối, một búi trĩ có thể vỡ nếu cục máu đông trở nên quá to, dẫn đến chảy máu hậu môn.

3. Cách điều trị chứng đại tiện ra máu do bệnh trĩ

3.1. Điều trị tại nhà

- Tắm nước ấm: Ngâm hậu môn trong nước ấm có thể giúp làm sạch hậu môn, giảm sưng, giảm viêm.

- Sử dụng khăn ướt: Khăn vải mềm và ẩm thay cho giấy vệ sinh khô cứng, sần sùi sẽ giúp hậu môn và búi trĩ không bị kích ứng, giảm hiện tượng chảy máu hậu môn. Lưu ý không mua khăn ướt có mùi thơm hay các chất gây kích ứng.

- Chườm lạnh: Bọc một túi đá lạnh lại bằng khăn và ngồi lên nó để giảm viêm và làm dịu khu vực hậu môn. Áp dụng không quá 20 phút một lần.

- Sử dụng thuốc không kê đơn: Các loại thuốc mỡ, kem bôi có thể giúp giảm viêm nhiễm, sưng, lở loét. Thuốc làm mềm phân giúp việc đi vệ sinh dễ dàng hơn, tránh được vấn đề đại tiện ra máu.

- Thay đổi thói quen: Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, năng vận động,....

3.2. Điều trị y tế

Với những bệnh nhân bị trĩ nặng, để chấm dứt hoàn toàn triệu chứng đại tiện ra máu thì cần phải điều trị dứt điểm bệnh trĩ:

- Buộc 1 dải dây cao su nhỏ vào đáy búi trĩ nội để hạn chế lưu lượng máu vào búi trĩ. Sau vài ngày, búi trĩ sẽ co lại và rơi ra.

- Tiêm thuốc vào búi trĩ để co nhỏ búi trĩ.

- Sử dụng tia laser hoặc tia hồng ngoài để cắt nguồn cung cấp máu tới búi trĩ, khiến búi trĩ "khô héo".

- Mạ điện: Năng lượng của dòng điện sẽ làm khô búi trĩ, cuối cùng khiến nó rơi ra ngoài.

- Với những trường hợp sa búi trĩ, hoặc triệu chứng đại tiện ra máu quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.

4. Đại tiện ra máu có cần đi khám bác sĩ không?

Lựa chọn tốt nhất là bạn nên đi gặp bác sĩ nếu có triệu chứng đại tiện ra máu. Mặc dù nó có thể là do bệnh trĩ, nhưng cũng có thể là do những căn bệnh khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng. Đặc biệt, nếu đại tiện ra máu đi kèm các dấu hiệu sau, thì bạn cần đến bệnh viện ngay lập tính:

- Thay đổi thói quen đi vệ sinh.

- Thay đổi tính chất và màu sắc phân.

- Giảm cân không rõ nguyên nhân.

- Đau bụng.

- Đau hậu môn.

- Đau đầu, chóng mặt.

- Buồn nôn hoặc nôn.

Nguồn dịch: https://www.healthline.com/health/bleeding-hemorrhoid#outlook


Tác giả: Mai Nhung