Có thể chữa khỏi ung thư bàng quang nhờ phát hiện sớm

Có thể chữa khỏi ung thư bàng quang nhờ phát hiện sớm
Ung thư bàng quang là một căn bệnh nguy hiểm, khởi phát từ bàng quang. Rất nhiều người đặt câu hỏi về việc có thể chữa khỏi ung thư bàng quang hay không. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả.

Ung thư bàng quang thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên, ở độ tuổi nào cũng có thể mắc ung thư bàng quang. Trước khi đi tìm câu trả lời về việc có thể chữa khỏi ung thư bàng quang hay không, bạn nên biết những yếu tố nguy cơ của căn bệnh này, vì rất có thể bạn cũng nằm trong số đó?

1. Các yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang

1.1. Độ tuổi

Mặc dù nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng cao, đặc biệt là người trên 40 tuổi. Tuy nhiên bạn cũng không nên chủ quan vì ai cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này.

1.2. Thuốc lá

Không ai còn xa lạ với những tác hại của thuốc lá, ngoài việc gây ra ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thực quản thì sử dụng thuốc lá cũng có thể khiến bạn dễ mắc ung thư bàng quang. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn người không hút thuốc 2-3 lần. Người hút thuốc lá tẩu hoặc xì gà còn có nguy cơ cao hơn.

1.3. Nghề nghiệp

Một trong những nguyên nhân gây ra ung thư nói riêng và ung thư bàng quang nói riêng chính là các hóa chất độc hại. Đặc thù nghề nghiệp của những người thường xuyên tiếp xúc với các chất hóa học có thể khiến họ rơi vào nguy cơ cao mắc ung thư bàng quang.

Công nhân trong ngành cao su, hóa chất và thuộc da có nguy cơ cao. Nhân viên làm đầu, thợ máy, công nhân kim khí, thợ in, họa sĩ, công nhân ngành dệt may và tài xế lái xe tải cũng có nguy cơ cao.

1.4. Nhiễm khuẩn

Cơ thể bị nhiễm loại ký sinh trùng nhất định cũng có thể gây ra nguy cơ mắc ung thư bàng quang, những loại ký sinh trùng gây bệnh thường tập trung ở vùng nhiệt đới trong đó có Việt Nam.

Chế độ điều trị có sử dụng cyclophosphamid hoặc arsenic: Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị ung thư và một số tình trạng bệnh khác. Chúng làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

Nam giới có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn ở nữ giới 2-3 lần. Người da trắng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp 2 lần người Mỹ gốc Phi và người Tây Ban Nha. Tỉ lệ mắc thấp nhất là ở người châu Á.

1.5. Tiền sử gia đình

Nếu trong gia đình bạn từng có người mắc ung thư bàng quang thì nguy cơ bạn và các thành viên khác cũng có khả năng mắc căn bệnh này. Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu những thay đổi trong một số gene nhất định có thể gây tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

2. Đừng bỏ qua dấu hiệu ung thư bàng quang

Thông thường, bệnh ung thư ở giai đoạn đầu dường như rất khó để phát hiện do không có những triệu chứng cụ thể, nếu có cũng rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh thường gặp.

Những triệu chứng thường gặp của ung thư bàng quang bao gồm:

- Có máu trong nước tiểu (tiểu ra máu)

- Nước tiểu có thể có màu vàng sậm, màu đỏ tươi hay màu nước ngọt coca cola hoặc nước tiểu có thể bình thường nhưng kiểm tra dưới kính hiển vi thấy có hồng cầu trong nước tiểu.

- Đi tiểu nhiều lần hoặc đái rắt; Đau khi đi tiểu;

- Nhiễm khuẩn đường tiểu tái diễn; Đau bụng; Đau hông lưng.

Mặc dù nếu loại trừ khả năng bạn mắc ung thư bàng quang thì nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sỏi bàng quang, sỏi thận...cũng khá nguy hiểm, bạn nên đi khám nếu như gặp những triệu chứng vừa kể trên.

Có thể chữa khỏi ung thư bàng quang nhờ phát hiện sớm - Ảnh 2.

Chữa khỏi ung thư bàng quang nhờ phát hiện sớm. (Ảnh: Internet)

3. Lời khuyên của thầy thuốc

Phần lớn nếu được phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi ung thư bàng quang là rất cao. Tuy nhiên, ngay cả đối với giai đoạn đầu, ung thư bàng quang vẫn có khả năng tái phát là có thể xảy ra.

Nhiều người tái phát ung thư bàng quang sau thời gian điều trị, chính vì vậy, bạn vẫn cần có sự theo dõi chặt chẽ để phòng tránh ung thư bàng quang quay lại.


Tác giả: Thanh Thanh