Có nên tập thể dục khi bị trĩ không?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Có nên tập thể dục khi bị trĩ không?
Luyện tập thể dục khi bị trĩ bằng các bài tập thích hợp mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của bệnh nhân, làm giảm các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa bệnh tiến triển.

1. Có nên tập thể dục khi bị trĩ không?

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh trĩ cảm thấy rất băn khoăn không biết có nên luyện tập thể dục thể thao khi mắc bệnh, luyện tập thể dục thể thao có khiến bệnh trở nên nặng hơn hay không,...

Thực tế, việc luyện tập thể dục khi bị trĩ đúng cách đem đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của bệnh nhân, cải thiện tình trạng bệnh, giảm các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn. Những tác dụng mà luyện tập thể dục khi bị trĩ mang lại có thể kể đến như:

Tăng lưu thông máu

Luyện tập thể dục khi bị trĩ sẽ giúp tăng tốc độ lưu thông máu trong cơ thể của bệnh nhân, giảm ứ trệ tuần hoàn,... Vì vậy có hiệu quả rất tốt trong việc ngăn búi trĩ bị sa nhiều hơn, làm giảm sung huyết tại búi trĩ.

Chống táo bón

Luyện tập thể dục khi bị trĩ đúng cách và thường xuyên sẽ giúp tăng cường nhu động ruột, cải thiện chức năng đường tiêu hóa do vậy ngăn chặn tình trạng táo bón. Do đó, giúp giảm áp lực tác động lên búi trĩ khi đi vệ sinh và tránh các tổn thương búi trĩ do khối phân quá cứng gây nên.

Cải thiện chức năng cơ thắt hậu môn

Tập thể dục khi bị trĩ sẽ giúp cơ thắt hậu môn của bệnh nhân trở nên đàn hồi hơn, co giãn tốt hơn và có phản ứng tốt hơn,... Nên có tác dụng tốt trong việc ngăn búi trĩ bị sa xuống và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.

2. Những môn thể dục nào không nên luyện tập khi bị trĩ

Như đã nói, tập thể dục khi bị trĩ đem lại nhiều lợi ích khác nhau cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải môn thể dục nào cũng phù hợp đối với những bệnh nhân bị bệnh trĩ. Đặc biệt là những môn thể dục có các đặc điểm:

- Làm tăng áp lực ổ bụng khi luyện tập sẽ khiến búi trĩ bị sa xuống, làm xung huyết búi trĩ vì vậy làm tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn( cử tạ, tập cơ bụng, gập bụng,...)

- Cường độ hoạt động cao gây nên sự cọ xát ở vùng hậu môn làm tổn thương vùng hậu môn, tổn thương bề mặt búi trĩ (chạy nhanh, chạy đường dài,...)

- Giữ nguyên tư thế ngồi lâu liên tục làm hạn chế lưu thông máu gây áp lực lên búi trĩ, xung huyết ở búi trĩ (ngồi thiền,...).

3. Một số môn thể dục nên tập khi bị bệnh trĩ

Đi bộ

Đi bộ nhẹ nhàng là bài tập thể dục khi bị trĩ được khuyến cáo nhiều cho các bệnh nhân, bởi nó giúp tăng lưu thông tuần hoàn trong quá trình luyện tập đồng thời cũng cải thiện sức khỏe rất tốt cho bệnh nhân, phù hợp với nhiều nhóm tuổi khác nhau luyện tập.

Khi đi bộ, bệnh nhân có thể kết hợp với một số các bài tập về hít thở và bài tập luyện tập cơ thắt hậu môn sẽ giúp bệnh nhân cải thiện chức năng co thắt hậu môn, giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa bệnh tiến triển.

Bơi lội

Khi luyện tập bơi lội sẽ khiến lưu thông máu trong cơ thể người bệnh trở nên tốt hơn và giảm áp lực lên vùng hậu môn do sự nâng đỡ của nước. Vì vậy đây là bơi lội là lựa chọn rất tốt cho các bệnh nhân nếu muốn tập thể dục khi bị trĩ.

Tuy nhiên, bệnh nhân muốn luyện tập thể dục khi bị trĩ bằng môn bơi lội cần chú ý lựa chọn những nơi có nguồn nước đảm bảo vệ sinh để tránh bị viêm nhiễm vùng hậu môn.

Tập yoga

Những bài tập yoga khác nhau sẽ tác động lên các vùng khác nhau trên cơ thể người bệnh, tăng lưu thông khí huyết vì thế giảm ứ huyết tại búi trĩ. Điều này có hiệu quả rất tốt đối với các bệnh nhân bị trĩ. Những để luyện tập thể dục khi bị trĩ bằng yoga hiệu quả, bệnh nhân nên đến các cơ sở đào tạo uy tín để được hướng dẫn luyện tập đúng cách.

Trên đây là những lợi ích tích cực của việc luyện tập thể dục khi bị trĩ mang lại. Tuy nhiên, để có thể đạt được hiệu quả cao nhất, bệnh nhân cần luyện tạp với cường độ thích hợp và kiên trì luyện tập mỗi ngày.


Tác giả: QN