Chia sẻ cách tự vượt qua trầm cảm từ giáo sư y khoa

Chia sẻ cách tự vượt qua trầm cảm từ giáo sư y khoa
Bên cạnh việc dùng thuốc hoặc sử dụng các phương pháp trị liệu, bạn hoàn toàn có thể tự vượt qua trầm cảm bằng cách mà GS Lý Hồng Phu hướng dẫn sau đây.

Trầm cảm là một bệnh lý về thần kinh phổ biến, nhất là ở xã hội hiện đại số người mắc bệnh ngày càng tăng cao với nhiều mức độ mắc nặng nhẹ khác nhau. Nếu không điều trị kịp thời người mắc trầm cảm có thể dẫn tới hành vi tự sát hoặc nhiều ảnh hưởng tâm lý khác vô cùng nghiêm trọng.

Bệnh trầm cảm được chia thành hai cấp độ: một là cảm thấy bị trầm cảm, hai là đã mắc bệnh trầm cảm. Cả hai mức độ sẽ có những cách chữa trị và phương pháp khác nhau giúp người bệnh chữa khỏi. Bên cạnh các cách như điều trị tâm lý, sử dụng thuốc, dưới đây là các cách mà Giáo sư Lý Hồng Phu, chuyên gia tâm lý và thần kinh (Trung Quốc) chia sẻ giúp bạn tự vượt qua trầm cảm.

1. Tự vượt qua trầm cảm bằng cách tập thể dục hoặc làm những việc mình yêu thích

Theo một nghiên cứu, chúng ta hoàn toàn có thể tự vượt qua trầm cảm tuy nhiên nhiều bệnh nhân lại không biết nên bắt đầu từ đâu. Giáo sư Phu cho biết, những người mắc bệnh trầm cảm đa phần đều ít vận động, ít tiếp xúc hoặc giao lưu với người khác. 

Vì vậy bạn có thể tự vượt qua trầm cảm bằng cách tập thể dục hoặc trò chuyện với những người xung quanh nhiều hơn.Đây được xem là cách hiệu quả hơn việc uống thuốc.

Cũng theo giáo sư Phu, bạn nên dành buổi sáng dậy sớm, vận động theo cách mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, tiện lợi nhất. Buổi sáng là thời gian vô cùng thích hợp bởi không khí trong lành hơn, tạo cho não bộ cảm giác thư giãn, thông qua đó đánh thức các tế bào sản sinh ra hormone tích cực. Từ đó, tâm trí sẽ được thư giãn, vỗ về và xoa dịu các cảm giác tiêu cực.

Ảnh 2.

Bạn có thể tự vượt qua trầm cảm bằng cách tập thể dục hoặc trò chuyện với những người xung quanh nhiều hơn (Ảnh: Internet)

2. Ra ngoài trò chuyện, giao lưu nhiều hơn

Điều sai lầm của nhiều người mắc bệnh rối loạn cảm xúc khiến cho việc tự vượt qua trầm cảm khó khăn hơn chính là định kiến mình mắc bệnh, ngại tiếp xúc hay chia sẻ với người khác.

Tâm trạng của người mắc bệnh trầm cảm thường rơi vào trạng thái tiêu cực, đánh giá thấp bản thân và luôn có cảm giác thua kém người khác, tự ti, ám ảnh về cuộc sống thất bại, làm việc gì cũng không tốt. 

Chính vì thế họ thường chủ động rút lui, không giao lưu với những người xung quanh, sống ẩn mình. Điều này chỉ khiến bệnh càng thêm nặng bởi họ sẽ rơi vào tình trạng luẩn quẩn, luôn bị bao vây bởi những suy nghĩ tiêu cực, cực đoan, dễ dẫn tới tự tử.

Muốn thay đổi vòng luẩn quẩn ấy thì buộc phải đi ra ngoài, tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè, tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc đi du lịch. Dù cho ban đầu, bạn có thể cảm thấy khó khăn, nhưng theo thời gian, bạn sẽ bớt đi sự mặc cảm, dần dần lấy lại sự tự tin và vui vẻ hơn.

3. Tập thở thư giãn

Tập thở thường được biết đến là một trong những phương pháp hỗ trợ hiệu quả với các bệnh liên quan đếm thần kinh, tim mạch và tâm trạng. Với cách tự vượt qua trầm cảm cũng vậy, bạn nên tập thở thư giãn mỗi ngày. 

Về phía tâm lý, các bài tập thở giúp cơ thể kết nối với tâm trí, bên trong chúng ta sẽ bình tâm trở lại, xóa tan dần các suy nghĩ tiêu cực, tạo ra không gian để bạn lắng nghe cơ thể nhiều hơn, biết bản thân mình đang muốn gì và gặp vấn đề gì.

Về mặt y học, hơi thở tác động trực tiếp và mang tính chất quyết định tới quá trình hô hấp, nhịp tim, nhu động ruột và hệ thần kinh của bạn. Chính vì thế học cách thở giúp bạn kiểm soát và sửa chữa, hoàn thiện những vấn đề rắc rối trong hệ thần kinh mà không có phương pháp y học nào có thể mang lại kết quả như vậy. 

Bên trong con người có cơ chế tự chữa khỏi và tự nâng cấp, bởi vậy việc điều hòa hơi thở không những giúp bạn tự vượt qua trầm cảm mà còn giúp cơ thể thêm sảng khoái, khỏe mạnh hơn. 

Việc tập thở có thể thực hành vào buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ, nhẹ nhàng nhắm mắt lại trong lúc tập luyện, tập trung vào hơi thở, không để cho bất kỳ một suy nghĩ nào nảy sinh trong đầu.

Mỗi lần tập thở có thể kéo dài trong 10 phút, nếu có thời gian bạn có thể tăng dần lên 20-40 phút. Sau khi tập thở xong, bạn sẽ thấy cơ thể hoàn toàn thay đổi, tâm trạng và nhịp tim đều tốt lên bội phần.

Ảnh 3.

Việc điều hòa hơi thở không những giúp bạn tự vượt qua trầm cảm mà còn giúp cơ thể thêm sảng khoái, khỏe mạnh hơn (Ảnh: Internet)

4. Tập thiền, yoga và thư giãn sâu

Thiền là một hoạt động vô cùng tốt đối với tâm trí, tâm trạng và sức khỏe. Thông qua thiền, có thể làm giảm căng thẳng, lo âu, trầm cảm và cảm xúc tiêu cực khác, thường xuyên thực hành thiền định sẽ nâng cao nhận thức và giúp đỡ ở những bệnh nhân bị trầm cảm có được cảm hứng sống mới mẻ, tích cực hơn.

GS Phu chỉ ra rằng mặc dù thiền định có rất nhiều mức độ khác nhau, nhưng phương pháp mà ông đề xuất ở đây là thực hành thiền định đơn giản, chỉ bạn dành thời gian ngồi thiền trong bình tĩnh, thoải mái, dễ chịu, sau đó dùng não để tưởng tượng ra những điều tốt đẹp từ đó thay đổi tâm trạng, thay đổi suy nghĩ, cải thiện cảm xúc nhanh chóng.

5. Tự điều chỉnh cảm xúc

Trầm cảm là khi bạn thường xuyên đắm mình trong cảm xúc tiêu cực do mình tự suy diễn hoặc quy chụp, mặc dù đôi khi nghĩ điều đó là vô lý, nhưng vẫn không thể thoát ra khỏi cảm giác đó.

Để thực sự thay đổi nhận thức này, bạn cần phải liệt kê những điều mà bạn cảm thấy không hài lòng, từ đó phân tích xem những sai lầm đó cần phải thay đổi ở mức độ nào để điều chỉnh lại tâm trạng.

Sau khi nhận ra những cảm xúc bột phát thái quá của mình thông qua việc ghi chép, bạn sẽ dần dần điều chỉnh được và giải thoát khỏi nó một cách nhẹ nhàng.

Tác giả: Phương Thuận