Cần lưu ý gì khi tiến hành tiêm ngoài màng cứng điều trị gai cột sống ?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cần lưu ý gì khi tiến hành tiêm ngoài màng cứng điều trị gai cột sống ?
Tiêm ngoài màng cứng là một phương pháp hiệu quả để hạn chế những cơn đau trong điều trị gai cột sống . Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý những gì khi tiến hành tiêm ngoài màng cứng?

Gai cột sống là bệnh lí thoái hóa cột sống xảy ra khi có các gai xương hình thành tại khu vực giao nhau của các đốt cột sống. Các gai cột sống này là sự phát triển thêm ra của xương tại nơi đầu đốt sống, đĩa sụn, dây chằng quanh khớp. Nguyên nhân chủ yếu là do viêm khớp cột sống mạn tính, chấn thương cột sống hay sự tích tụ canxi ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống gây ra.

1. Cần chuẩn bị gì trước khi tiêm ngoài màng cứng ?

Tiêm ngoài màng cứng là việc đưa thuốc vào không gian xung quanh tủy sống (không gian ngoài màng cứng) để điều trị gai cột sống bằng cách làm giảm viêm tạm thời.

Việc tiêm thuốc có thể làm giảm đau và sưng ở bên trong hoặc xung quanh rễ thần kinh cột sống, cũng như xung quanh các dây thần kinh bị tổn thương mà chưa thể chữa lành. Thông thường, bác sĩ có thể sử dụng đèn soi huỳnh quang hoặc chụp cắt lớp CT để xác định vị trí tiêm.

Trước khi tiến hành tiêm ngoài màng cứng, người bệnh sẽ được hướng dẫn chi tiết về cách chuẩn bị đặc biệt là việc thay đổi thói quen sử dụng thuốc.

Để ngăn chặn những cơn đau bụng có thể xảy ra sau khi tiêm, người bệnh được khuyến cáo không nên ăn hoặc uống trước khi tiêm ngoài màng cứng vài giờ.

Bạn cũng có thể được yêu cầu đi vệ sinh hoặc sử dụng các thuốc để đi vệ sinh trước khi thực hiện tiêm ngoài màng cứng.

Tiêm ngoài màng cứng là một thủ thuật ngoại khoa. Người bệnh có thể về nhà sau khi tiêm hoặc sau khi thuốc tê đã hết tác dụng. Bạn nên nhờ người than hoặc bạn bè đưa về sau khi tiêm vì có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm sau khi tiêm.

2. Bao lâu thì tiêm ngoài màng cứng một lần?

Các loại thuốc tiêm ngoài màng cứng điều trị gai cột sống phổ biến hiện nay bao gồm thuốc Steroid, thuốc gây mê và thuốc chống viêm. Tiêm thuốc Steroid bên ngoài màng cứng có thể làm giảm viêm, đau liên quan đến các tình trạng phổ biến như hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm hoặc bệnh thoái hóa đĩa đệm .

Một mũi tiêm Steroid ngoài màng thông thường có khả năng giảm đau gai cột sống cho khoảng 50% bệnh nhân, thời gian tác dụng của thuốc có thể từ vài tháng đến một năm. Bên cạnh giảm đau, tiêm ngoài màng cứng còn hỗ trợ trong điều trị phục hồi chức năng.

Hiện tại chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra tần suất của việc tiêm Steroid ngoài màng cứng. Thông thường, người bệnh sẽ tiêm ba mũi trong một năm. Nếu sau mũi đầu, người bệnh không đau tái phát thì không cần tiến hành tiêm mũi sau. Các mũi tiêm còn lại sẽ được dùng để dự trù cho các cơn đau tái phát hoặc tiềm ẩn.

3. Những ai không nên thực hiện tiêm ngoài màng cứng ?

Trước khi tiêm ngoài màng cứng, bạn nên báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe bản thân hoặc kiểm tra trước khi tiêm.

Thận trọng chỉ định tiêm ngoài màng cứng đối với bệnh nhân có tình trạng đái tháo đường chưa kiểm soát được, tăng huyết áp không ổn định, bệnh lý máu, nhiễm nấm, suy giảm miễn dịch (HIV), bệnh nhân điều trị các thuốc ức chế miễn dịch liều cao và kéo dài.

Không nên tiêm Steroid ngoài màng cứng cho những bệnh nhân bị đau do khối u hoặc nhiễm trùng.

Nói chung tiêm ngoài màng cứng điều trị gai cột sống là một phương pháp khá tiện lợi, với tính an toàn và hiệu quả tương đối cao. Do đó phương pháp này ngày càng được áp dụng rộng rãi trong điều trị gai cột sống. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh, sức khỏe, lợi ích và rủi ro khi thực hiện phương pháp này. Đồng thời thực hiện nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ.


Tác giả: Ninh Nguyễn