Cách phân biệt nấm miệng và nhiệt miệng ở trẻ

Cách phân biệt nấm miệng và nhiệt miệng ở trẻ
Nấm miệng (tưa miệng) và nhiệt miệng là hai bệnh lý ở khoang miệng, hay xảy ra ở trẻ em. Làm thế nào để phân biệt hai tình trạng này ngay từ ban đầu?

Nấm miệng và nhiệt miệng thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Thông thường cả 2 tình trạng này không quá nguy hiểm nhưng gây ra các triệu chứng khó chịu, khiến trẻ quấy khóc, chán ăn, từ đó dẫn tới thiếu hụt dinh dưỡng.

1. Nguyên nhân gây nấm miệng và nhiệt miệng ở trẻ

Nhiệt miệng và nấm miệng là hai tình trạng khác nhau và nguyên nhân gây bệnh hoàn toàn khác.

1.1. Nguyên nhân gây nấm miệng ở trẻ

Bệnh nấm miệng và các bệnh nhiễm trùng nấm men khác là do sự phát triển quá mức của nấm Candida Albicans - chúng tồn tại tự nhiên trong hệ vi sinh vật của 50% dân số.

Thông thường, một lượng nhỏ C. albicans sống trong miệng của bạn mà không gây hại. Khi hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường, các vi khuẩn có lợi trong cơ thể bạn sẽ giúp kiểm soát loại nấm này. Nhưng nếu hệ thống miễn dịch bị tổn hại hoặc sự cân bằng của vi sinh vật trong cơ thể bị phá vỡ, nấm có thể phát triển ngoài tầm kiểm soát.

Đối với trẻ, nấm miệng thường xảy ra do một số yếu tố như hệ miễn dịch kém, mẹ bị nhiễm nấm Candida trong lúc mang thai và lây nhiễm sang con, dùng nhiều kháng sinh. 

Không chỉ gây bệnh ở trẻ nhỏ, nấm miệng cũng thường xảy ra ở người lớn tuổi hoặc người bị suy yếu hệ thống miễn dịch. Không phải bệnh lý quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị thích hợp, loại nấm gây bệnh tưa miệng có thể xâm nhập vào máu và lan đến tim, não, mắt hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Điều này được gọi là nhiễm nấm candida xâm lấn hoặc toàn thân.

Cách phân biệt nấm miệng và nhiệt miệng ở trẻ - Ảnh 2.

Nấm miệng ở trẻ do sự phát triển quá mức của nấm Candida Albicans (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

10 loại thuốc điều trị nhiệt miệng cực nhạy có thể bạn quan tâm

Nấm miệng trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và cách điều trị

1.2. Nguyên nhân gây nhiệt miệng ở trẻ

Nguyên nhân chính xác gây nhiệt miệng ở trẻ không chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các yếu tố sau có thể gây ra các vết nhiệt, loét miệng ở trẻ:

- Di truyền

- Các bệnh truyền nhiễm như bệnh tay chân miệng

- Dị ứng thực phẩm

- Nếu trẻ đã mọc răng có thể do cắn vào lưỡi hoặc môi

- Thiếu hụt một số vitamin và chất dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin B12 và axit folic

- Một số trẻ có thể phát triển nhiều vết loét như là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc khả năng miễn dịch suy yếu.

2. Phân biệt nhiệt miệng và nấm miệng

Để phân biệt nhiệt miệng và nấm miệng, mọi người có thể dựa vào triệu chứng, cụ thể:

2.1. Triệu chứng nấm miệng ở trẻ

Ở giai đoạn đầu, bệnh nấm miệng có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng khi tình trạng nhiễm trùng trở nên tồi tệ hơn, một hoặc nhiều triệu chứng sau đây có thể phát triển:

+ Đốm trắng hoặc vàng trên má trong, lưỡi, amidan, nướu hoặc môi

+ Chảy máu nhẹ nếu các đốm bị cạo

+ Đau nhức hoặc nóng rát trong miệng

+ Da khô, nứt nẻ ở khóe miệng

+ Khó nuốt

+ Mất vị giác, chán ăn

+ Quấy khóc, khó chịu

Cách phân biệt nấm miệng và nhiệt miệng ở trẻ - Ảnh 3.

Vị trí nấm miệng thường xuất hiện ở má trong, lưỡi, amidan, nướu hoặc môi (Ảnh: Internet)

Đối với trẻ sơ sinh bị nấm miệng, nhiễm trùng có thể truyền sang vú của mẹ và gây ra tình trạng: Núm vú đỏ, nhạy cảm, nứt hoặc ngứa, bong tróc trên quầng vú hoặc khu vực xung quanh núm vú, đau khi cho con bú hoặc đau núm vú giữa các lần cho ăn, đau nhói sâu hơn trong vú.

Trong một số trường hợp, bệnh nấm miệng có thể ảnh hưởng đến thực quản mặc dù điều này là không phổ biến. Đặc biệt, loại nấm gây bệnh nấm miệng cũng có thể gây nhiễm trùng sang các bộ phận khác trên cơ thể.

2.2. Triệu chứng nhiệt miệng ở trẻ

Đau là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh nhiệt miệng. Chúng cũng có thể gây ra cảm giác nóng rát hoặc ngứa ran ở phần miệng nơi vết loét đang phát triển. Ngoài ra, một số triệu chứng điển hình khác dễ nhận biết khi trẻ bị nhiệt miệng như:

- Vết loét là các mảng nhỏ, màu trắng với các vòng màu đỏ xung quanh chỉ rộng vài mm

- Thường xuất hiện ở má và môi

- Một hoặc nhiều vết đau xuất hiện cùng lúc (nhưng một vết thường phổ biến hơn)

- Không có triệu chứng bệnh như sốt hoặc ớn lạnh

Cách phân biệt nấm miệng và nhiệt miệng ở trẻ - Ảnh 4.

Nhiệt miệng xuất hiện dưới dạng vết loét ở bên trong má và môi (Ảnh: Internet)

Khác với nấm miệng, các vết nhiệt miệng không lây nhiễm trong miệng cũng như sang các bộ phận khác.

2.3. Hình ảnh nhiệt miệng và nấm miệng

Nấm miệng (bên trái) và Nhiệt miệng (bên phải)

Cách phân biệt nấm miệng và nhiệt miệng ở trẻ - Ảnh 6.

Nấm miệng lan đến cổ họng (Ảnh: Internet)

3. Cách điều trị và chăm sóc nấm miệng và nhiệt miệng cho trẻ

Vì nguyên nhân gây bệnh khác nhau nên mỗi tình trạng lại có hướng điều trị và chăm sóc khác nhau.

3.1. Cách chăm sóc và điều trị cho trẻ bị nấm miệng

Một số trường hợp bị nấm miệng có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế trong vòng một hoặc hai tuần, nhưng bác sĩ có thể kê toa dung dịch kháng nấm cho miệng của con bạn. Thuốc này thường được bôi nhiều lần trong ngày bằng cách thoa nó vào bên trong miệng và lưỡi.

Tùy thuộc vào độ tuổi của bé, bác sĩ cũng có thể đề nghị bổ sung sữa chua có lactobacillus vào chế độ ăn của bé. Lactobacilli là vi khuẩn tốt có thể giúp loại bỏ nấm men trong miệng của con bạn.

Nhưng cha mẹ cần lưu ý, nếu con trẻ liên tục bị nấm miệng, đặc biệt nếu bé trên 9 tháng tuổi, hãy nói chuyện với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác.

Về cách chăm sóc cho trẻ khi bị nấm miệng, cha mẹ nên:

- Rơ miệng thường xuyên cho trẻ. Trong quá trình rơ miệng, cha mẹ vệ sinh tay sạch sẽ, tiến hành lúc đói để tránh tình trạng trẻ nôn trớ.

Không hôn lên miệng của trẻ.

-  Nếu là trẻ sơ sinh, mẹ vệ sinh kỹ núm vú trước và sau khi cho con ti

- Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, sữa chua và là thức ăn mềm, lỏng.

Cách phân biệt nấm miệng và nhiệt miệng ở trẻ - Ảnh 7.

Khi trẻ bị nấm miệng cha mẹ nên thường xuyên rơ lưỡi cho con (Ảnh: Internet)

3.2. Cách chăm sóc và điều trị cho trẻ bị nhiệt miệng

Nhiệt miệng có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Nhưng nếu các vết loét gây cho con bạn sự khó chịu và đau quá mức, bạn có thể cho con uống thuốc giảm đau theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. 

Nếu vết loét không thuyên giảm sau vài tuần hoặc vết loét tiếp tục tái phát, bạn nên cho trẻ đi thăm khám. Họ có thể kê toa thuốc bôi, nước súc miệng đặc biệt hoặc phương pháp điều trị tại nhà để giúp chữa lành vết loét. 

Đối với các loại thuốc bôi trực tiếp lên vết loét, trước tiên hãy thấm khô vùng đó bằng khăn giấy. Sử dụng tăm bông để bôi một lượng nhỏ thuốc và đảm bảo con bạn không ăn hoặc uống trong ít nhất 30 phút để đảm bảo thuốc không bị rửa trôi.

Về cách chăm sóc, cha mẹ nên vệ sinh răng miệng cho con với tần suất 2 lần/ngày, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ - đặc biệt là vitamin B12 và axit folic, ưu tiên thực phẩm mềm lỏng để tránh gây đau đớn các vùng bị loét.

Nhìn chung, nấm miệng và nhiệt miệng đều gây cảm giác đau rát trong miệng cho trẻ. Cha mẹ nên có những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khoẻ của con.

Nguồn tham khảo:

1. Everything You Need to Know About Oral Thrush

2. Oral Thrush

3. Canker Sores


Tác giả: Vân Anh