Cách đối phó với bệnh dày sừng nang lông vào mùa lạnh

Cách đối phó với bệnh dày sừng nang lông vào mùa lạnh
Dày sừng nang lông là tình trạng vô hại nhưng ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Đặc biệt, vào mùa lạnh vấn đề về da này trở nên trầm trọng hơn.

Thời tiết vào mùa đông có thể tác động tiêu cực đến cơ thể bạn theo nhiều cách, đặc biệt làn da là bộ phận chịu nhiều ảnh hưởng. Trong đó, những người bị chứng dày sừng nang lông có thể gặp các triệu chứng trầm trọng hơn, điều này có thể do thời tiết khô lạnh làm cho da mất độ ẩm.

1. Bệnh dày sừng nang lông là gì?

Dày sừng nang lông là một tình trạng da lành tính, khi gặp vấn đề này da sẽ xuất hiện các mụn sưng nhỏ trông như da gà, khiến lớp da trở nên sần sùi.

Dày sừng nang lông thường xảy ra ở cánh tay trên, đùi, má hoặc mông. Tình trạng này không lây nhiễm và những mụn nhỏ này thường không gây khó chịu hoặc ngứa và có màu đỏ, nâu, trắng hoặc có thể có cùng màu với màu da của bạn.

Dày sừng nang lông là kết quả của sự tích tụ keratin. Nếu bạn bị dày sừng nang lông, chất sừng của lông trên cơ thể bạn sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Kết quả là, các mụn sưng nhỏ hình thành ở nơi lẽ ra có một sợi lông.

Dày sừng nang lông là tình trạng phổ biến, khoảng 50% đến 80% thanh thiếu niên và 40% người trưởng thành sẽ phát triển tình trạng da này vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tuy nhiên, những người mắc bệnh chàm hoặc viêm da dị ứng được cho là có nguy cơ mắc gặp tình trạng này cao hơn.

Cách đối phó với bệnh dày sừng nang lông vào mùa lạnh - Ảnh 2.

Dày sừng nang lông thường xuất hiện ở cánh tay trên, đùi, má hoặc mông (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Viêm nang lông là gì? Tổng hợp hình ảnh bệnh viêm nang lông

Bệnh viêm da và những điều cần chú ý để phòng ngừa, điều trị hiệu quả

2. Cách kiểm soát dày sừng nang lông vào mùa lạnh

Thật may là chứng dày sừng nang lông không nguy hiểm và có thể cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng thường trở nên rõ rệt hơn vào mùa đông và ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Vì vậy, để đối phó với bệnh dày sừng nang lông vào mùa lạnh, mọi người có thể thực hiện theo những lời khuyên sau:

- Dưỡng ẩm đều đặn cho làn da: một trong những yếu tố làm cho tình trạng dày sừng nang lông trầm trọng hơn là sự mất độ ẩm của làn da. Vì vậy, bạn nên dưỡng ẩm da 2-3 lần/ngày, đặc biệt sau khi tắm.

- Tẩy tế bào chết: mụn nhỏ li ti của tình trạng dày sừng nang lông là do sự tích tụ của tế bào chết, làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Do đó, bạn nên tẩy da chết thường xuyên tạo sự thông thoáng cho lỗ chân lông. Tần suất tốt nhất là tẩy da chết 2-3 lần/tuần. Đặc biệt lưu ý, không chà xát mạnh khi tẩy da chết làm tổn thương da, điều này có thể làm cho các tình trạng da trở nên tồi tệ hơn.

- Tắm nhanh: vào mùa đông, chúng ta sử dụng nước nóng để tắm nên dễ làm mất độ ẩm của da. Nếu càng tắm lâu sẽ càng làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da. Do vậy, bạn không nên tắm hoặc ngâm mình trong bồn tắm nóng quá lâu.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm: việc sử dụng máy tạo độ ẩm sẽ giúp không khí bớt khô hơn. Điều này không chỉ tốt cho làn da mà còn phòng ngừa hoặc giúp giảm các triệu chứng của một số bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như đau họng, ho, nghẹt mũi,...

- Tránh sử dụng sữa tắm có chất tẩy rửa mạnh: có thể nhiều người cho rằng dùng các sản phẩm có tính tẩy rửa mạnh sẽ giúp da sạch hơn, không bị viêm,... Tuy nhiên, các sản phẩm này có thể làm cho da trở nên khô ráp, đồng nghĩa với việc da mất đi độ ẩm và làm cho chứng dày sừng nang lông trở nên tồi tệ hơn. Các bạn nên chọn các loại sữa tắm nhẹ, vừa giúp làm sạch da mà vẫn giữ được độ ẩm cho da.

- Tránh mặc quần áo bó sát: bạn nên lựa chọn trang phục rộng rãi để tránh gây ma sát và gây kích ứng da.

- Không bóp, gãi hoặc chọc vào các mụn dày sừng nang lông: hành động này không những không có tác dụng gì còn làm tổn thương da và khiến các triệu chứng trầm trọng hơn.

- Uống nhiều nước: da khô có thể làm chứng dày sừng nang lông trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, việc uống đủ nước và các chất lỏng khác có thể giúp giữ nước cho làn da của bạn và giảm thiểu sự xuất hiện của bệnh dày sừng nang lông.

Cách đối phó với bệnh dày sừng nang lông vào mùa lạnh - Ảnh 3.

Giữ độ ẩm cho da sẽ giúp cải thiện tình trạng dày sừng nang lông (Ảnh: Internet)

Nếu áp dụng các biện pháp tự nhiên trên mà chứng dày sừng nang lông không cải thiện, bạn có thể cân nhắc đến gặp bác sĩ da liễu để có phương pháp trị liệu phù hợp. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

- Thuốc làm mềm da hoặc tẩy tế bào chết hóa học theo toa

- Kem hoặc thuốc kháng sinh nếu vi khuẩn lây nhiễm vào vết thương

- Thuốc corticosteroid hoặc thuốc điều hòa miễn dịch tại chỗ

- Thuốc retinoid để điều trị diện rộng

- Laser để giảm mẩn đỏ hoặc tẩy lông

3. Một số biện pháp tự nhiên giúp giảm chứng dày sừng nang lông

Một số biện pháp tự nhiên có thể không khiến chứng dày sừng nang lông biến mất nhưng giúp giảm thiểu sự xuất hiện của các mụn nhỏ li ti, cải thiện một phần được tình trạng này, cụ thể:

- Sử dụng giấm táo: Giấm táo có chứa axit malic, một loại axit alpha hydroxy. Axit alpha hydroxy giúp tẩy tế bào chết tự nhiên cho làn da của bạn. Nếu có làn da nhạy cảm, giấm táo có thể gây khô và kích ứng, vì vậy tốt nhất bạn nên trộn giấm táo với một lượng nước tương đương. Đổ một lượng nhỏ hỗn hợp vào bông cotton và chà xát nhẹ lên vùng da bị ảnh hưởng.

- Sử dụng baking soda: Baking soda là một chất tẩy da chết tự nhiên. Trộn hai muỗng cà phê baking soda với một lượng nhỏ nước ấm để tạo thành hỗn hợp sệt. Thoa hỗn hợp lên vùng da bị ảnh hưởng và nhẹ nhàng chà xát vào da theo chuyển động tròn, nhỏ trong tối đa 5 phút. Rửa sạch hỗn hợp trên da khi bạn hoàn thành và nên nhớ thoa kem dưỡng ẩm.

- Sử dụng dầu dừa: Nhiều người sử dụng dầu dừa nguyên chất như một loại kem dưỡng ẩm cho da. Đồng thời, dầu dừa cũng chứa đặc tính chống viêm và kháng khuẩn giúp giảm sự đổi màu và viêm nhiễm.

Trên đây là những thông tin về cách kiểm soát chứng dày sừng nang lông vào mùa lạnh. Chúng ta không thể ngăn ngừa chứng dày sừng nang lông nhưng tránh làm khô da bằng cách duy trì thói quen chăm sóc da nhẹ nhàng có thể giúp giảm thiểu sự xuất hiện của tình trạng này.

Nguồn tham khảo:

1. Keratosis Pilaris

2. Learning More About Keratosis Pilaris, A Skin Condition That Can Worsen In Cold Weather


Tác giả: Vân Anh