Cách điều trị sốt xuất huyết giai đoạn nhẹ (sớm) và dấu hiệu cần phải nhập viện

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Cách điều trị sốt xuất huyết giai đoạn nhẹ (sớm) và dấu hiệu cần phải nhập viện
Dùng thuốc hạ sốt, lau mát cơ thể, bổ sung nước liên tục là cách điều trị sốt xuất huyết giai đoạn nhẹ có thể điều trị tại nhà. Khi có dấu hiệu sốc và xuất huyết, người bệnh cần được nhập viện ngay để chữa trị kịp thời.

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nên bệnh nhân cần được theo dõi sức khỏe liên tục và cẩn thận. Có thể điều trị sốt xuất huyết tại nhà trong 3 ngày đầu nếu bệnh không có những diễn biến phức tạp và nguy hiểm. 

Khi áp dụng phương pháp điều trị sốt xuất huyết đúng đắn và kịp thời, bệnh sẽ được kiểm soát và đẩy lùi mà không cần nhập viện.

1. Cách điều trị sốt xuất huyết giai đoạn đầu bằng thuốc hạ sốt

Theo hướng dẫn của Bộ y tế về việc chẩn đoán và cách điều trị sốt xuất huyết, giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh thường bị sốt cao liên tục nên cơ thể rất mệt mỏi, mất nước. Thời gian này cách điều trị bệnh sốt xuất huyết là dùng thuốc hạ sốt, để bệnh nhân nghỉ ngơi và uống đủ nước cần thiết.

- Hạ sốt: bệnh nhân có thể sốt lên tới 40 độ C, sốt cao liên tục nên cần dùng thuốc hạ sốt ngay. Thuốc hạ sốt được khuyến cáo sử dụng với liều lượng dưới 4gr/ngày đối với người lớn.

- Nới lỏng quần áo cho bệnh nhân, nên mặc quần áo mỏng, thoáng mát và lau mát liên tục ở các vị trí như nách, bẹn.

- Dùng khăn mặt nhúng nước ấm chườm liên tục lên trán cho người bệnh. Cách điều trị sốt xuất huyết này giúp kéo dài thời gian tái sốt.

- Bù nước liên tục cho người bệnh theo nhu cầu của cơ thể. Cách tốt nhất để bù nước cho người bệnh là uống nước lọc, nước ép hoa quả, dung dịch điện giải oresol, nước cơm hoặc sữa tươi (nước hoa quả và sữa tươi nên thận trọng khi sử dụng với bệnh nhân tiểu đường).

- Để bệnh nhân nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, nên nằm trong màn để tránh bị muỗi vằn đốt làm lây bệnh sang những người xung quanh.

2. Kinh nghiệm dân gian hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết giai đoạn đầu

Trong y học cổ truyền, sốt xuất huyết được xếp vào nhóm ôn bệnh và ôn dịch và có nhiều cách hỗ trị điều trị sốt xuất huyết khác nhau, trong đó có việc sử dụng các kinh nghiệm dân gian. Tham khảo một số cách chữa sốt xuất huyết bằng các loại lá cây trong vườn nhà theo kinh nghiệm dân gian sau đây:

- Cách hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết bằng cây cỏ nhọ nồi: cỏ nhọ nồi 20g, rễ cỏ tranh 20g,lá cối xay sao vàng 12g, sài đất 20g, kim ngân hoa 12g,lá bồ công anh 12g, hoa hòe 10g, gừng tươi 3 lát, sắc với 600ml nước trong 30 phút. Nước thuốc này chia thành 3 bát uống 3 lần trong ngày.

- Cách hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết bằng rau má: rau má 20g, lá huyết dụ 20g, cỏ mần trầu 20g, lá cối xay 20g, cỏ nhọ nồi sao cháy 40g, sắc đặc uống.

- Cách hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết bằng rau diếp cá: rau diếp cá 100g, rau ngót 100g, cỏ nhọ nồi 50g, rửa sạch, vò với nước sôi để nguội, chia uống nhiều lần trong ngày.

Nhìn chung, cách hỗ trợ điều trị bệnh sốt xuất huyết theo dân gian chỉ nên là biện pháp hỗ trợ cho những bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ. Lúc này bệnh nhân chỉ bị sốt đơn thuần và chưa có ảnh hưởng nghiêm trọng hay biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Các loại thuốc lá, thuốc nam lành tính, an toàn và hiện nay chủ yếu được áp dụng ở các khu vực nông thôn do có sẵn cây cỏ vị thuốc trong vườn nhà.

3. Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết cần nhập viện ngay

Các cách điều trị sốt xuất huyết kể trên chỉ nên áp dụng trong khoảng 3 ngày đầu tiên. Tới ngày thứ 4, người bệnh cần tới bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được khám và xác định tình trạng sức khỏe cụ thể. Đặc biệt nếu có các dấu hiệu sau đây, người bệnh cần nhập viện ngay:

- Xuất hiện các chấm hay đốm màu đỏ trên da

- Chảy máu cam, chảy máu chân răng

- Nôn ói ra máu

- Đi ngoài phân đen

- Choáng váng, nôn nao, liên tục nôn ói

- Đau tức ngực, khó thở

- Với phụ nữ thì có hiện tượng rong kinh, kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường

- Đau dữ dội ở vùng bụng

- Có hiện tượng co giật khi sốt cao

-Có những vết bầm xanh tím trên da

- Chân và tay lạnh ẩm.

Cách điều trị sốt xuất huyết chỉ đem lại hiệu quả tốt nhất khi được áp dụng đúng thời điểm, theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Vì vậy, tốt nhất khi có biểu hiện sốt cao, người bệnh hãy thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe và có biện pháp điều trị phù hợp.


Tác giả: hoangtrang