Các xét nghiệm được sử dụng để theo dõi sau điều trị ung thư máu

Các xét nghiệm được sử dụng để theo dõi sau điều trị ung thư máu
Việc kiểm tra được coi là một phần của chăm sóc và theo dõi sau điều trị ung thư máu. Ngoài kiểm tra thể chất, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.

Bệnh nhân sau khi điều trị ung thư máu vẫn cần được theo dõi trong một thời gian dài. Tại các buổi tái khám, bệnh nhân sẽ được kiểm tra thể chất và làm một số xét nghiệm. Các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ đánh giá khả năng phục hồi và phát hiện ung thư tái phát. 

1. Xét nghiệm máu theo dõi sau điều trị ung thư máu

Xét nghiệm máu thường được chỉ định trong các buổi tái khám sau điều trị ung thư máu. Bệnh nhân có thể được bác sĩ yêu cầu làm các xét nghiệm sau:

- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (FBC): Xét nghiệm này có tác dụng đo số lượng từng loại tế bào trong máu như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Máu của bệnh nhân sẽ được lấy thông qua đường tĩnh mạch và lưu trữ trong ống nghiệm có lớp kháng đông. Số lượng tế bào trong máu sẽ được kiểm đếm và mô tả kích thước thông qua các máy đếm tự động.

- Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi: Được sử dụng để kiểm tra kích thước và hình dạng của các tế bào máu. Xét nghiệm này sẽ xác định các tế bào có khoẻ mạnh và có kích thước, hình dạng bình thường hay không.  

- Xét nghiệm protein máu: Đây là xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán đa u tuỷ tái phát. Xét nghiệm sẽ cho thấy sự gia tăng số lượng của các protein bất thường (immunoglobulin).  

2. Sinh thiết theo dõi sau điều trị

Sinh thiết không chỉ chẩn đoán mà nó còn có tác dụng theo dõi sau điều trị ung thư máu. Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định sinh thiết tuỷ xương và sinh thiết hạch bạch huyết. Đối với sinh thiết tuỷ xương, các bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ trong tuỷ xương của bệnh nhân và quan sát nó dưới kinh hiển vi. Việc quan sát sẽ giúp bác sĩ phát hiện được các tế bào bất thường bên trong tuỷ xương. Do đó, sinh thiết tuỷ xương còn được sử dụng để kiểm tra hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Sinh thiết hạch bạch huyết là hoạt động kiểm tra các mẫu lấy từ hạch bạch huyết bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư. Nó thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư hạch tái phát hoặc một số loại ung thư máu khác. Vì vậy, trong một số trường hợp bệnh nhân sẽ được sinh thiết hạch bạch huyết khi đến tái khám.

3. Các xét nghiệm hình ảnh

Ngoài xét nghiệm máu và sinh thiết, các xét nghiệm hình ảnh cũng được yêu cầu. Để theo dõi sau điều trị ung thư máu, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau:

- Chụp CT- scan: Dù không phải là một xét nghiệm phổ biến cho ung thư máu nhưng CT- scan vẫn có thể được chỉ định. CT- scan sẽ giúp bác sĩ phát hiện được hiện tượng sưng ở các bộ phận như gan hoặc lá lách.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Có thể cho thấy các mô mềm thông qua việc sử dụng sóng vô tuyến thay vì tia X.

- PET/CT: Cho phép phát hiện tổn thương khu trú tại tuỷ xương mà CT scan và sinh thiết tuỷ xương bỏ sót. Loại xét nghiệm này còn được thực hiện để xác định hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư máu.  

- Chụp X- quang: Được sử dụng để kiểm tra nhiễm trùng và làm các khảo sát về xương bằng tác động của tia X.

- Siêu âm: Được sử dụng trong việc đo kích thước lá lách, do lá lách thường bị mở rộng bởi ung thư hạch. Ngoài ra, siêu âm còn giúp bác sĩ quan sát được các hạch bạch huyết trong khi sinh thiết .

Ung thư máu tái phát hoặc di căn có thể được phát hiện sớm nhờ những xét nghiệm trên. Điều trị ung thư máu tái phát có thể giống hoặc khác các phương pháp trước đó. Phương pháp được chọn sẽ dựa trên mức độ tương thích của bệnh nhân với phương pháp điều trị từng sử dụng.

Các buổi tái khám là yêu cầu bắt buộc đối với bệnh nhân sau khi điều trị ung thư máu. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đã được phát hiện ung thư máu tái phát nhờ các buổi theo dõi này. Do đó, hãy theo dõi và tái khám thường xuyên để phát hiện và kiểm soát ung thư máu kịp thời nhé!


Tác giả: Thùy Dung