Tổng hợp các phương pháp tầm soát ung thư vú

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Tổng hợp các phương pháp tầm soát ung thư vú
Phương pháp tầm soát ung thư vú hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới đã có nhiều thay đổi, tiến bộ giúp kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân.

1. Phương pháp tầm soát ung thư vú bằng chụp X quang tuyến vú (nhũ ảnh) 

X quang là một xét nghiệm chẩn đoán đã có từ lâu và được dùng khá thường xuyên trong y khoa. Cũng như kỹ thuật chụp X quang của các cơ quan khác, nhũ ảnh cùng dùng chùm tia X chiếu xuyên qua vú để ghi lại hình ảnh của tuyến vú lên phim. 

Tuy nhiên trong nhũ ảnh chùm tia X thường dùng là chùm tia có cường độ thấp và bước sóng dài hơn. Hiện nay chụp X quang tuyến vú là một trong các phương pháp tầm soát ung thư vú quan trọng giúp chẩn đoán sớm ung thư vú. Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên tiến hành chụp X quang định kỳ 1 lần/năm theo tư vấn của các bác sỹ.

Hơn nữa chụp X quang tuyến vú khó có thể phát hiện thấy khối u ở những phụ nữ trẻ do mô vú ở độ tuổi này khá dày đặc.

2. Khám lâm sàng tuyến vú 

Phụ nữ từ 20 đến 30 tuổi nên khám lâm sàng tuyến vú hàng năm. Nếu có những dấu hiệu bất thường ở vú, người bệnh có thể thực hiện chụp X quang tuyến vú hoặc siêu âm để xác định bệnh.

Ngoài ra tự khám vú cũng là một trong các phương pháp tầm soát ung thư vú hiệu quả để phát hiện sớm bệnh.

3. Siêu âm vú 

Siêu âm là một phương pháp khảo sát hình ảnh học bằng cách cho một phần cơ thể tiếp xúc với sóng âm tần số cao (siêu âm) để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. 

Do hình ảnh siêu âm được ghi nhận theo thời gian thực nên nó có thể cho thấy hình ảnh cấu trúc và sự chuyển động của các bộ phận bên trong cơ thể, kể cả hình ảnh dòng máu đang chạy trong các mạch máu.

Siêu âm tuyến vú thường được sử dụng để đánh giá các tổn thương ở tuyến vú được phát hiện thấy khi chụp X quang tuyến vú và khám lâm sàng. Siêu âm giúp phân biệt giữa u nang (túi chứa đầy dịch lỏng) và các khối rắn. 

Trong một số trường hợp, siêu âm tuyến vú được sử dụng để tìm kiếm các hạch bạch huyết có kích thước lớn.

4. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ cho hình ảnh có chất lượng cao và độ phân giải tốt, giúp bác sỹ đánh giá chi tiết các tổn thương và chẩn đoán bệnh chính xác, trong nhiều trưởng hợp là tốt hơn so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, X quang và chụp cắt lớp CT.

Chụp MRI là thường được áp dụng cho những phụ nữ có mô vú dày đặc hoặc những người có nguy cơ rất cao mắc ung thư vú vì chụp MRI có thể phát hiện các khối u rất sớm.

Tuy nhiên một nhược điểm đáng kể của chụp MRI tuyến vú là cho kết quả dương tính giả, nói cách khác xét nghiệm này tìm ra những điểm ban đầu trông có vẻ đáng nghi nhưng không phải là ung thư.

5. Sinh thiết vú 

Các bác sỹ sẽ lấy ra một mẫu mô rất nhỏ từ vú, các mô này sẽ được thử nghiệm và kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện bệnh. Sinh thiết được tiến hành để khẳng định chẩn đoán. Vì đây là một kỹ thuật khá phức tạp nên người ta chỉ thực hiện sinh thiết khi đã thực hiện những kỹ thuật đơn giản hơn (chụp X quang, siêu âm) mà vẫn chưa xác định được bệnh.

6. Xét nghiệm tế bào học 

Đây là kỹ thuật chuẩn đoán nhanh trong y học nhằm phát hiện bệnh ung thư. Theo đó, người ta sử dụng một chiếc kim ngắn, nhỏ hơn kim lấy máu để lấy tế bào của khối u vùng vú, da, tuyến giáp, hạch và tuyến nước bọt… phân tích dưới kính hiển vi. Mục đích của xét nghiệm tế bào học là nhằm phát hiện ung thư.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu cần thiết, các bác sỹ sẽ đưa ra chẩn đoán bệnh. Ung thư vú sẽ được đánh giá theo các giai đoạn. Giai đoạn của ung thư vú đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn phương pháp điều trị.


Tác giả: Thu Hoa