Biến chứng gai đốt sống ngực và cách phòng ngừa

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Biến chứng gai đốt sống ngực và cách phòng ngừa
Gai đốt sống ngực là một trong ba dạng của gai cột sống. Đây là vị trí ít bị gai nhất, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì lâu ngày bệnh sẽ gây ra những biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Đốt sống ngực tạo thành đốt giữa của cột sống, giữa đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng.Theo quy ước, đốt sống ngực của con người được đánh số T1-T12, với cái đầu tiên (T1) nằm gần hộp sọ nhất và những cái khác xuống dần về phía cột sống về phía vùng thắt lưng.

Gai đốt sống ngực là bệnh lý do sự phát triển của xương gai trên thân các đốt sống còn gọi là các gai xương, thông thường các gai xương này mọc ở ngoài hoặc 2 bên của vùng cột sống tùy theo bệnh nhân. Bệnh được giải thích là do sự phát triển bất thường của xương trên đốt sống hoặc ở xung quanh khớp, ổ khớp đĩa sụn.

Nhìn chung thì những triệu chứng của gai đốt sống ngực khá giống so với gai đốt sống cổ. Sự khác biệt chỉ là ở vị trí của những cơn đau. Khi bị gai đốt sống ngực, lúc này người bệnh sẽ cảm thấy đau ở đoạn giữa 2 bả vai, có thể là 2 bên xương sườn. Những cơn đau thường xuất hiện khi bạn cúi người về phía trước.

1. Biến chứng gai đốt sống ngực

Những biến chứng gai đốt sống ngực gây ra cũng khá giống với gai đốt sống cổ. Một số biến chứng như:

Đau: Đau có thể là triệu chứng, cũng có thể là biến chứng. Đau xuất hiện ở 2 bả vai, 2 bên xương sườn. Đau ê ẩm lúc thức dậy, tăng lên khi vận động hoặc ngồi cúi quá lâu. Đau từ bả vai lan xuống cánh tay tới ngón tay một hay hai bên. Các gai xương hay mỏm ngang xương đau tăng khi ấn vào.

Gai đốt sống ngực là 1 dạng của gai cột sống, vì vậy nó cũng có thể gây ra 1 số biến chứng như:

Gây ra các bệnh lý về xương khớp khác: Theo các chuyên gia xương khớp, gai cột sống có thể chuyển biến thành các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa... Đồng thời ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan khác như bàng quang, ruột.

Mất khả năng lao động: Khi gai cột sống cổ chèn ép vào rễ dây thần kinh người khả năng cử động của người bệnh bị hạn chế. Lâu dần vùng vai gáy, cánh tay yếu đi và mất khả năng lao động. Ngay cả những việc bình thường như đóng cúc áo, đánh răng hay cầm nắm đồ vật bị suy yếu.

Teo cơ, tàn phế: Triệu chứng gai đốt sống ngực kéo dài khiến vùng xung quanh cột sống ngực bị tổn thương nghiêm trọng, dinh dưỡng không cung cấp đủ, máu bị tắc nghẽn tại chỗ. Bên cạnh đó dây chằng và các mô liên kết xung quanh cũng đã viêm, hư hại… không thực hiện được cử động nào nữa dẫn đến teo dần và tàn phế.

2. Phòng tránh biến chứng gai đốt sống ngực

Cách tốt nhất để phòng tránh biến chứng gai đốt sống ngực là bạn học cách phòng tránh bệnh bằng cách luyện tập thói quen ăn uống luyện tập khoa học, tích cực.

Tránh ngồi lâu một tư thế, những người lái xe, lái tàu, văn phòng nên có giải lao giữa giờ (khoảng 2 giờ nghỉ giải lao khoảng từ 10 - 15 phút) và tập động tác nhẹ nhàng như cúi xuống, ngẩng đầu lên, xoay cổ nhẹ (khi chưa bị thoái hóa cốt sống cổ).

Hạn chế lao động nặng, chơi các môn thể thao quá sức. Tránh những chấn thương cột sống.

Một số người có thói quen xua tan cơn nóng bằng việc tắm nước lạnh ngay, tuy nhiên, cần cẩn thận hơn với thói quen này nếu hôm sau xuất hiện các hiện tượng như đầu khó quay, tay chân tê.Hãy tắm với nước ấm vừa phải mới là cách phục hồi sức khỏe và đem lại cảm giác thư giãn cho cơ bắp, khớp xương.

Với người tuổi cao không được vặn, lắc, bẻ cổ khi đã bị bệnh. Khi nằm ngủ, nghỉ, cần gối đầu với gối có độ cao vừa phải thật thoải mái (không cao, không thấp quá), khi ngủ nên có thay đổi tư thế và thỉnh thoảng chuyển mình để cho máu được lưu thông.

Khi bị gai cột sống ngực, nên dùng thuốc kết hợp với phương pháp châm cứu, vật lý trị liệu, tập thể dục thường xuyên. Thực hiện các biện pháp massage, vật lý trị liệu bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung, tập phục hồi chức năng là các biện pháp áp dụng tốt, không có hại.


Tác giả: duongthihue