Bệnh tiểu đêm là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

Bệnh tiểu đêm là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục
Tiểu đêm là triệu chứng phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi. Việc phải thức dậy đi tiểu nhiều lần làm gián đoạn giấc ngủ, gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nên tìm hiểu rõ nguyên nhân tiểu đêm để có biện pháp khắc phục hiệu quả.

1. Tiểu đêm là bệnh gì?

Tiểu đêm hay đa niệu về đêm, là một thuật ngữ y khoa chỉ việc đi tiểu quá mức vào ban đêm. Trong suốt thời gian ngủ, cơ thể bạn tạo ra ít nước tiểu và cô đặc hơn, do đó hầu hết mọi người không cần phải thức dậy vào ban đêm để đi tiểu và có thể ngủ liên tục trong vòng 6-8 giờ.

Nếu bạn cần phải thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu, bạn có thể bị mắc chứng đi tiểu quá mức vào ban đêm. Ngoài việc làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, tiểu đêm còn có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

2. Ảnh hưởng của việc tiểu đêm đến chất lượng cuộc sống

+ Tiểu đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, có thể so sánh với bệnh gút, tăng huyết áp, tiểu đường và đau thắt ngực về gánh nặng bệnh tật

+ Tiểu đêm gây khó chịu cho bệnh nhân nếu xảy ra quá 2 lần mỗi đêm

+ Mức độ nghiêm trọng của việc suy giảm hay rối loạn giấc ngủ tăng theo số lần và khoảng cách giữa các lần đi tiểu

+ Mất ngủ gây mệt mỏi vào ban ngày, kém tập trung, suy giảm trí nhớ, thay đổi tâm trạng và ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.

+ Đi tiểu nhiều lần về đêm có thể làm tăng nguy cơ té ngã và có thể gãy xương ở người lớn tuổi

+ Ảnh hưởng đến đời sống tình dục của người bệnh.

3. Tỷ lệ mắc bệnh

Các nghiên cứu dịch tễ học đã cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi. Hơn 70% người từ 70 tuổi trở lên mắc bệnh tiểu đêm. Hơn 30% người từ 20 - 40 tuổi đi tiểu ít nhất 1 lần trong đêm. Ở người trẻ tuổi, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới, và tỷ lệ này là tương đương nhau ở người cao tuổi.

4. Nguyên nhân gây tiểu đêm

4.1.Tiểu đêm do mất cân bằng dịch

* Tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiểu đêm, nếu mất cân bằng dịch trong cơ thể khiến lượng nước tiểu >40ml/kg/24 giờ thì có thể nghĩ đến một số yếu tố như:

+ Uống quá nhiều nước hoặc rượu bia;

+ Mắc bệnh đái tháo đường;

+ Tăng canxi huyết;

+ Suy thận mạn.

* Tiểu nhiều về đêm

Tình trạng hay tiểu đêm mất ngủ được xác định khi số lượng nước tiểu về đêm >20% tổng số lượng nước tiểu 24 giờ trong cả ngày ở người trẻ và > 33% ở người cao tuổi. Các nguyên nhân bao gồm:

+ Uống nhiều nước và rượu bia vào buổi tối;

+ Thời gian dùng thuốc lợi tiểu gần giờ ngủ;

+ Biến đổi tiết hormone chống lợi niệu do tuổi tác;

+ Suy tim sung huyết gây tái phân bố dịch về đêm;

+ Ứ máu tĩnh mạch gây phù.

Nhìn chung, nguyên nhân của tình trạng hay tiểu đêm thường gặp nhất là do uống quá nhiều nước khi gần đến giờ đi ngủ, đặc biệt là thức uống có chứa cồn và cafein. Vì thế người bệnh nên chú ý giảm bổ sung lượng chất lỏng vào thời điểm này để cải thiện đáng kể tình trạng tiểu đêm mất ngủ. Nếu tần suất đi tiểu vẫn chưa giảm, nên cân nhắc đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân tiểu đêm.

4.2 Tiểu đêm do nguyên nhân thần kinh

Bệnh tiểu đêm

Các vấn đề về thần kinh cũng ảnh hưởng đến bàng quang

Dung tích bàng quang ở người bình thường chứa từ 300 - 400 ml chất lỏng. Khi nước tiểu bài tiết từ thận xuống đầy bàng quang, cơ thể sẽ có phản xạ mắc tiểu. Trong khi đó, bàng quang lại được não, tủy sống, đoạn S1,S2 và hệ thần kinh ngoại biên kiểm soát. Vì thế, các vấn đề liên quan đến thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng bàng quang, gây ra tình trạng tiểu đêm mất ngủ.

* Một số bệnh thần kinh

Các rối loạn thần kinh thông thường gây bí tiểu, tiểu không kiểm soát, tiểu nhiều lần hay tiểu đêm bao gồm:

+ Xơ cứng rải rác từng đám;

+ Hội chứng chèn ép tủy sống;

+ Đái tháo đường;

+ Parkinson.

Nếu nữ giới trên 60 tuổi thường xuyên bị bí tiểu nhưng đã loại trừ nguyên nhân tắc nghẽn bàng quang, thì các bệnh về thần kinh cần được nghĩ tới trong chẩn đoán bí tiểu hoặc tiểu đêm.

Ngưng thở khi ngủ

Các rối loạn giấc ngủ cũng có thể là nguyên nhân của hội chứng tiểu đêm. Cụ thể, chứng ngưng thở khi ngủ đã được ghi nhận làm tăng tần suất tiểu đêm. Tình trạng này xuất hiện trong những trường hợp tổn thương não, khiến hệ thần kinh trung ương không gửi những tín hiệu thích hợp để điều khiển cơ hô hấp.

Khi ngủ, cơ thể con người không nhận thức được tình trạng căng đầy của bàng quang. Bên cạnh đó, trạng thái tắc nghẽn đường hô hấp do ngưng thở làm tăng áp lực âm trong lồng ngực, khiến tim phát đi tín hiệu yêu cầu thận thải nước tiểu, tương tự như cơ chế của quá tải thể tích tuần hoàn. Nhận được hormone từ tim phát đi, thận tăng bài tiết lượng nước tiểu khiến bệnh nhân phải đi tiểu nhiều lần.

Chính vì vậy, điều trị bệnh lý ngưng thở khi ngủ có khả năng cải thiện đáng kể tình trạng hay tiểu đêm mất ngủ.

4.3. Tiểu đêm do rối loạn đường tiểu dưới

Chức năng cô đặc nước tiểu giúp cơ thể ngủ suốt đêm mà không bị gián đoạn sẽ kém hiệu quả hơn theo tuổi tác. Thêm vào đó, bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới lớn tuổi và các vấn đề tiết niệu ở phụ nữ cũng gây ra viêm nhiễm, khiến bàng quang yếu hơn và phải giữ nhiều nước tiểu hơn, từ đó gia tăng đi tiểu vào ban đêm. Các nguyên nhân cụ thể là:

+ Bệnh niệu đạo gây nghẽn dòng chảy từ bàng quang;

+ Bàng quang hoạt động quá mức;

+ Quá nhạy cảm do bệnh lý hoặc mang thai;

+ Nhiễm trùng đường niệu;

+ Viêm bàng quang mô kẽ.

4.4. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt ở nam giới

KHẮC PHỤC CHỨNG TIỂU ĐÊM NHƯ THẾ NÀO? - Ảnh 2.

Phì đại tuyến tiền liệt là một trong những nguyên nhân gây tiểu đêm ở nam giới

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt, là bệnh lý phổ biến nhất ở nam giới trên 50 tuổi và cũng được xem như nguyên nhân gây tiểu đêm hàng đầu. Bệnh lý lành tính này không phải ung thư, ảnh hưởng đến 50% nam giới từ 51 - 60 tuổi, con số này tăng lên tới 90% ở các quý ông độ tuổi trên 80.

Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo, nếu bị phì đại sẽ gây tắc nghẽn dòng chảy, đồng thời thành bàng quang cũng dày lên và gặp khó khăn khi làm trống nước tiểu.

Có thể điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt bằng can thiệp ngoại khoa lẫn điều trị nội khoa. Thăm khám và nghe tư vấn từ bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sống chung với các triệu chứng của phì đại lành tính tuyến tiền liệt, không còn hay tiểu đêm nhiều lần.

4.5. Tác động của một số loại thuốc

Ngoài các nguyên nhân tiểu đêm kể trên, tác động của nhiều loại thuốc cũng chịu trách nhiệm cho hội chứng tiểu đêm mất ngủ. Trong đó, thường gặp nhất là thuốc lợi tiểu nhằm điều trị tăng huyết áp hoặc điều trị phù ngoại biên ở bàn chân và mắt cá. Những loại thuốc được liệt kê như sau:

+ Thuốc lợi tiểu như Furosemide (Lasix);

+ Demeclocycline;

+ Lithium;

+ Methoxyflurane;

+ Phenytoin;

+ Propoxyphene.

Nhìn chung, nam giới hay tiểu đêm thường nghĩ ngay đến vấn đề ở tiền liệt tuyến mà không xem xét những nguyên nhân khác. Thực tế có nhiều yếu tố kết hợp gây tiểu đêm mất ngủ, do đó bệnh nhân cần đến bệnh viện chuyên khoa kiểm tra cẩn thận để được xác định nguyên nhân tiểu đêm thông qua bệnh sử, thăm khám 

lâm sàng và cận lâm sàng. Xác định chính xác nguyên nhân gây tiểu đêm, kết hợp với điều chỉnh thói quen sinh hoạt phù hợp là cách giúp chữa khỏi và cải thiện hội chứng tiểu nhiều về đêm.

Ảnh 4.

5. Chẩn đoán bệnh tiểu đêm

Việc chẩn đoán nguyên nhân gây ra tiểu đêm có thể gặp khó khăn. Để có thể kết luận chính xác, bác sỹ sẽ cần phải hỏi một loạt các câu hỏi. Tôt nhất người bệnh nên ghi chép trong vài ngày những gì đã uống và số lượng bao nhiêu, cùng với mức độ đi tiểu thường xuyên.

Các câu hỏi bác sỹ có thể hỏi:

+ Tiểu đêm bắt đầu khi nào?

+ Bạn phải thức dậy bao nhiều lần để đi tiểu?

+ Cơ thể bạn có tạo ra ít nước tiểu hơn trước đây hay không?

+ Có điều gì làm cho tình trạng này nghiêm trọng hơn không?

+ Bạn có bất cứ triệu chứng nào khác không?

+ Những thuốc bạn đang dùng?

+ Bạn có tiền sử mắc các vấn đề về bàng quang hoặc bệnh tiểu đường không?

Bác sĩ cũng có thể phải làm các xét nghiệm như:

+ Kiểm tra lượng đường trong máu (để xem bạn có bị bệnh tiểu đường hay không);

+ Xét nghiệm công thức máu, nước tiểu;

+ Cấy nước tiểu;

+ Nghiệm pháp cho nhịn uống nước;

+ Kiểm tra bằng hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm, soi bàng quang.

6. Cách điều trị và phòng ngừa tiểu đêm

Chế độ ăn uống

Để hạn chế tình trạng tiểu đêm vào buổi tối do chức năng (ngoài bệnh lý), đầu tiên bệnh nhân cần thay đổi và điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho phù hợp hơn, cụ thể là:

+ Bỏ thói quen uống nhiều nước, rượu bia, cà phê hoặc trà vào buổi tối;

+ Giảm ăn các loại canh có thành phần lợi tiểu như rau cải, mướp, bầu... vào bữa cơm chiều;

+ Tăng cường rau xanh và chất xơ;

+ Không ăn quá nhiều thịt hoặc ăn quá mặn;

+ Hạn chế ăn trái cây chứa nhiều nước như dưa hấu, bưởi, cam... trước khi đi ngủ.

Ảnh 5.

Thực hiện chế độ ăn uống nhiều rau xanh giúp đẩy lùi các vấn đề sức khỏe

Yếu tố tâm lý

Thường xuyên tiểu đêm nhiều do yếu tố tâm lý không ổn định có thể gặp ở người trẻ lẫn người già. Vì vậy, xung quanh vấn đề bệnh tiểu đêm và cách điều trị, cần lưu ý:

+ Tránh lo lắng, căng thẳng quá mức dẫn tới mất ngủ;

+ Tập trung làm việc để không chú ý đến nhu cầu đi tiểu;

+ Tạo thói quen đi tiểu trước khi đi ngủ và đúng giờ trong ngày;

+ Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, đề phòng stress...

Cải thiện sức khỏe tinh thần và xây dựng thực đơn hợp lý không chỉ hỗ trợ khắc phục hội chứng tiểu nhiều về đêm, mà còn có tác động tích cực đến những bệnh nhân bị tiểu gắt hoặc tiểu buốt.

Một số nguyên nhân khác

Nhóm nguyên nhân gây tiểu đêm nằm ngoài bệnh lý còn bao gồm:

+ Tác động của thuốc có tính lợi tiểu;

+ Nhau thai tiết dịch và tử cung chèn ép bàng quang khi mang thai;

+ Giảm chức năng cô đặc nước tiểu của thận ở người lớn tuổi;

+ Phản xạ thần kinh điều khiển bàng quang bị rối loạn.

Những trường hợp tiểu đêm vì nguyên nhân chức năng như trên có thể khắc phục bằng cách không uống thuốc lợi tiểu hoặc thuốc hạ huyết áp (nhóm ức chế kênh canxi) vào buổi tối. Massage hoặc ngâm vùng hậu môn bằng nước ấm cũng là một gợi ý giúp cải thiện tình trạng này.

Bên cạnh đó, khi thức dậy đi tiểu vào nửa đêm cần bình tĩnh ngồi chậm rãi, đợi đến khi tỉnh táo hẳn rồi mới bước ra khỏi giường để tránh tai biến mạch máu não. Ở các vùng quê nên chuẩn bị sẵn bô để người già đi tiểu về đêm nếu không có buồng vệ sinh trong nhà, không nên ra ngoài trời để đi tiểu vào nửa đêm.

Tiểu đêm có thể gây rối loạn giấc ngủ dẫn đến thiếu ngủ, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng nếu không được điều trị. Nếu tiểu đêm kéo dài, nên đến gặp bác sỹ để điều trị cho hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.



Tác giả: Nguyễn Phan Thư Trinh