10 câu hỏi thường gặp về bệnh sốt xuất huyết

10 câu hỏi thường gặp về bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết đang bước vào mùa dịch với nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, cần trang bị các kiến thức tổng quan về bệnh sốt xuất huyết để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và những người xung quanh

1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh có khả năng lây lan rộng và trở thành dịch lớn, gây ra nhiều tổn thất về kinh tế. Mọi đối tượng đều có thể mắc bệnh. Các trường hợp bệnh nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là ở trẻ em.

>>> Tìm hiểu thêm chi tiết:  Bệnh sốt xuất huyết là gì?

2. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra vào thời gian nào?

Ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt như Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ và độ ẩm không khí cao. Ở miền Bắc và Tây Nguyên, cao điểm của mùa dịch thường diễn ra vào tháng 8 đến tháng 11 hàng năm.

Đặc biệt, cứ khoảng 3-5 năm một lần, nước ta lại ghi nhận một đợt dịch bệnh sốt xuất huyết lớn. Các nhà khoa học cho rằng, điều này liên quan tới chu kỳ biến đổi của khí hậu, dẫn tới nhiệt độ và lượng mưa tăng.

3. Con đường lây truyền bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà thông qua muỗi vằn (Aedes) mang virus gây bệnh. Sau khi tấn công người mắc bệnh sốt xuất huyết, virus Dengue được ủ trong cơ thể muỗi vằn một thời gian, sau đó muỗi tiếp tục đốt (cắn) và truyền mầm bệnh sang người lành.

Như vậy, việc chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết hoặc tiếp xúc thông thường không thể làm lây bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý không để muỗi cắn trong thời gian này để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.

4. Nhận biết muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết

Muỗi vằn có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết là hai loài Aedes aegypti và Aedes albopictus. Đây là loài muỗi nhỏ, có thân đen hoặc nâu đen, trên mình có các sọc trắng. Muỗi Aedes sống gần người tại các khu dân cư, ưa thích trú ẩn tại các góc tối hoặc nơi có ánh sáng yếu. Muỗi bay đi tìm mồi nhiều nhất vào sáng sớm hoặc chiều tối.

Muỗi vằn có đặc điểm bay nhanh, bám theo con mồi rất dai và chỉ bay đi khi đã đốt căng máu. Chúng thường sinh sản tại các ao hồ hoặc vũng nước đọng, phế liệu, lốp xe, các mảnh vỡ, lọ hoa, dụng cụ chứa nước,...

5. Mỗi người chỉ mắc bệnh sốt xuất huyết 1 lần trong đời?

Không chính xác. Người đã từng mắc bệnh sốt xuất huyết hoàn toàn có thể mắc lại, thậm chí là ở thể nặng hơn. Có 4 type evirus Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết là D1, D2, D3, D4. Người nhiễm virus lần đầu thường là ở thể nhẹ và có thể có miễn dịch với type virus đó. Khi tái nhiễm các type virus khác, người bệnh hoàn toàn có thể mắc lại bệnh sốt xuất huyết.

6. Biểu hiện bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết thông thường có 3 giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn, các biểu hiện của bệnh lại không giống nhau. Sau khi nhiễm virus Dengue từ 3-6 ngày (thời gian ủ bệnh), các triệu chứng của bệnh bắt đầu xuất hiện.

- Giai đoạn 1: Ở giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân thường sốt cao không rõ nguyên nhân, liên tục trong vòng 2-7 ngày. Kèm theo đó là các biểu hiện như đau đầu, đau nhức hốc mắt. buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa,...

- Giai đoạn 2: Sau thời gian sốt liên tục, bệnh nhân bắt đầu hạ thân nhiệt. Tuy nhiên, đây là giai đoạn có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân thường có các biểu hiện như giảm tiểu cầu, thoát huyết tương hoặc cô đặc máu. Các biến chứng này thể hiện ra bên ngoài thông qua các nốt xuất huyết, chảy máu răng lợi, nôn hoặc đi vệ sinh ra máu, kinh nguyệt bất thường,..

- Giai đoạn 3: Sau khi vượt qua các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân bắt đầu hồi phục, nhịp tim, huyết áp, số lượng tiểu cầu,... dần trở về trạng thái bình thường, cảm giác thèm ăn xuất hiện trở lại,...

7. Phân biệt sốt xuất huyết và các bệnh khác

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết trong giai đoạn đầu khá tương đồng với các bệnh thông thường khác, dẫn tới tự điều trị sai cách. Để đảm bảo an toàn, khi có các triệu chứng trên, đặc biệt là trong mùa dịch, cần tới bệnh viện để khám và xác định nguyên nhân, tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.

8. Điều trị bệnh sốt xuất huyết ở đâu

Đối với sốt xuất huyết nhẹ ở giai đoạn 1, bệnh nhân có thể được điều trị ngoại trú theo chỉ định của bác sĩ. Nếu xảy ra biến chứng ở giai đoạn 2, bệnh nhân cần tiến hành điều trị tại các bệnh viện tuyến cơ sở. Chỉ các trường hợp xảy ra biến chứng nặng mới nên tiến hành điều trị tại các bệnh viện tuyến trên.

9. Lưu ý khi điều trị bệnh sốt xuất huyết

Trong quá trình điều trị, điều quan trọng nhất là phải tuân thủ đúng chỉ định và liều lượng sử dụng thuốc của bác sĩ. Sau giai đoạn sốt liên tục, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và xét nghiệm máu hàng ngày, loại trừ nguy cơ biến chứng.

10. Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Cần nắm được các kiến thức tổng quan về bệnh sốt xuất huyết để có biện pháp phòng bệnh phù hợp. Phòng bệnh cần được thực hiện bắt đầu từ việc hạn chế muỗi sinh sản và tấn công như: ngủ màn, mặc quần áo dài, bôi thuốc chống muỗi, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng,...


Tác giả: Thảo Ngân