Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, biến chứng và phương pháp điều trị

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, biến chứng và phương pháp điều trị
Trong số các bệnh về đường hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là căn bệnh mà rất nhiều mắc phải. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì và những thông tin về bệnh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (hay bệnh COPD) là bệnh hô hấp thường gặp ở nhiều nhóm đối tượng, bệnh gây khó thở do đường thở bị hẹp lại do các tác nhân như môi trường, thói quen sống... Phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, mệt mỏi, ho mãn tính, hạn chế khả năng hoạt động và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (tên khoa học là Chronic Obstructive Pulmonary Disease - viết tắt là COPD) là một bệnh hô hấp gây khó thở do đường thở bị hẹp lại. Theo thời gian, bệnh sẽ ngày càng nặng hơn, làm suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) được chia làm 2 loại chính và một số người có thể mắc cả 2 loại này:

- Viêm phế quản mãn tính: đây là tình trạng lớp niêm mạc của các ống phế quản bị viêm. Các lớp lót trong các ống phế quản bị đỏ, sưng và chứa đầy các chất nhầy. Chất nhầy này là nguyên nhân chính làm hẹp ống thở dẫn đến khó thở.

- Khí phế thũng: là tình trạng các túi khí nhỏ trong phổi bị tổn thương. Theo thời gian, cấu trúc của các túi khí này sẽ suy yếu và vỡ ra, tạo thành không gian lớn thay vì nhiều không gian nhỏ. Điều này làm giảm diện tích tiếp xúc với không khí của phổi, khiến quá trình hấp thụ O2 và thải CO2 trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở hơn.

phổi tắc nghẽn mãn tính

Phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh đường hô hấp gây khó thở do đường thở bị hẹp lại. (Nguồn ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?

Phổi tắc nghẽn mãn tính do các tế bào trong phổi bị tổn thương hoặc tắc nghẽn. Những tổn thương này thường xảy ra khi bạn thường xuyên hít phải các chất kích thích có hại trong một thời gian dài. Các loại chất kích thích chính gây bệnh gồm:

- Hút thuốc (hoặc hít phải khói thuốc do người khác hút - hút thuốc lá thụ động) trong một thời gian dài gây ra 80 - 90% tổng các trường hợp mắc bệnh

- Khói hóa chất hoặc sương mù

- Ô nhiễm không khí ngoài trời

- Ô nhiễm không khí trong nhà (hít phải khí đốt trong quá trình đốt nhiên liệu sưởi ấm hoặc nấu ăn)

- Bụi bặm

- Bụi nghề nghiệp, hóa chất

- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ

bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. (Nguồn ảnh: Internet)

3. Những ai là người có nguy cơ mắc phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD?

Ngoài các yếu tố chính gây phổi tắc nghẽn mãn tính nêu ở trên thì còn có những yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng khả năng gây bệnh, gồm:

- Những người trong độ tuổi từ 65-74

- Người có tiền sử bệnh hen hay các bệnh hô hấp khác

- Người có người thân trong gia đình mắc bệnh này

- Người có tiền sử hút thuốc hoặc hít nhiều khói thuốc

Các đối tượng này cần được khám và sử dụng các phương pháp tránh mắc bệnh một cách sớm nhất.

bệnh COPD

Người bị bệnh hen có nguy cơ cao bị phổi tắc nghẽn mãn tính. (Nguồn ảnh: Internet)

4. Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD thường gây ra những triệu chứng sau:

- Khó thở, thở khò khè khi nghỉ ngơi hoặc khi hoạt động thể chất

- Ho mãn tính (kéo dài)

- Ho có đàm, đàm có thể có màu xanh lá cây, màu vàng xám hoặc màu trắng. Thỉnh thoảng, ho ra đàm có thể đi kèm vệt máu

- Mệt mỏi

- Cảm giác bị thắt chặt ở ngực

- Sốt nhẹ và ớn lạnh

Khi ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có biểu hiện cụ thể và rất khó nhận biết. Tuy nhiên, đây là một bệnh tiến triển nên các triệu chứng sẽ rõ ràng và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Khi các triệu chứng phát triển nặng hơn, chúng sẽ ảnh hưởng đến và làm đảo lộn cuộc sống của người bệnh, gây ra các biến chứng nặng hơn.

Người bệnh cần tiến hành nhập viện ngay nếu có một trong những biểu hiện dưới đây:

- Móng tay hoặc môi chuyển sang màu xám hoặc màu xanh (đó là do nồng độ O2 trong máu thấp)

- Cảm thấy khó thở đến nỗi không thể nói chuyện được

- Nhịp tim đập rất nhanh

- Rơi vào trạng thái lơ mơ

- Các triệu chứng trở nên nặng hơn mặc dù đang được điều trị

5. Biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm:

- Nhiễm trùng hô hấp: Người bệnh thường xuyên bị mắc các bệnh như cảm lạnh, cúm hoặc thậm chí bị viêm phổi nặng mà không thể chữa khỏi.

- Cao huyết áp: bệnh có thể gây ra áp suất cao trong các mạch máu đưa đến phổi của người bệnh (còn được gọi là tăng áp phổi).

- Các bệnh về tim: Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ bị rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh đến tới suy tim.

biến chứng của phổi tắc nghẽn mãn tính

Ở giai đoạn nặng, phổi tắc nghẽn mãn tính có thể dẫn tới suy tim. (Nguồn ảnh: Internet)

6. Chẩn đoán và cách điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD

6.1. Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán phổi tắc nghẽn mãn tính dựa trên các triệu chứng, bệnh sử, tiền căn gia đình của bạn kết hợp với kết quả xét nghiệm.

Bác sĩ có thể hỏi các câu hỏi như: Bạn có hút thuốc hoặc tiếp xúc với các chất kích thích phổi hay không? Bạn có sống trong khu vực bị ô nhiễm không khí hoặc khu vực có nhiều hơi hóa chất không? Gia đình bạn có ai mắc các bệnh liên quan đến phổi không?

- Bác sĩ cũng sẽ sử dụng một ống nghe để nghe tiếng thở hoặc các âm thanh bất thường khác trong phổi. Bên cạnh đó, bạn sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm bao gồm:

- Đo hô hấp kế: Phương pháp này giúp đo khả năng thở của bạn. Bạn sẽ hít một hơi thật sâu và thở vào hô hấp kế. Máy sẽ đo lượng không khí và tốc độ thở ra nhanh như nào.

- Khí máu động mạch: Xét nghiệm này sử dụng một mẫu máu lấy từ động mạch để đo lường lượng O2 trong máu. Kết quả xét nghiệm này có thể cho biết mức độ nặng, nhẹ của bệnh.

- Xét nghiệm chức năng phổi: Xét nghiệm chức năng phổi đo lường lượng không khí hít vào và thở ra để kiểm tra xem bạn có khó thở không, bạn có cung cấp đủ O2 cho cơ thể không.

- Chụp X-quang hay CT scan ngực: Các xét nghiệm này hiển thị các hình ảnh của các cấu trúc bên trong ngực bạn như phổi, tim và mạch máu. Bác sĩ có thể dựa vào các hình ảnh này để phát hiện dấu hiệu của phổi tắc nghẽn mãn tính.

chẩn đoán phổi tắc nghẽn mãn tính

Bác sĩ chẩn đoán phổi tắc nghẽn mãn tính dựa trên triệu chứng, tiền sử gia đình và các kết quả xét nghiệm. (Nguồn ảnh: Internet)

6.2. Phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD

Hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Các phương pháp điều trị hiện tại đều là phòng ngừa và làm giảm triệu chứng bệnh.

Nguyên tắc điều trị bao gồm:

- Cải thiện khả năng gắng sức

- Làm chậm quá trình phát triển của bệnh

- Điều trị làm giảm các triệu chứng

- Ngăn ngừa và điều trị biến chứng

Các phương pháp điều trị gồm:

- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc giãn phế quản hỗ trợ người bệnh thở dễ dàng hơn. Thuốc giãn phế quản kết hợp cộng với corticosteroid dạng hít giúp giảm viêm phổi, cải thiện triệu chứng.

- Vaccine phòng ngừa: người bệnh cần được tiêm các loại vaccine phòng cúm, thuốc chủng ngừa phế cầu và liệu pháp O2.

- Phẫu thuật: Trong trường hợp các phương pháp kể trên không đem lại hiệu quả, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Thông thường, phương pháp phẫu thuật được sử dụng với loại khí phế thũng bao gồm: phẫu thuật giảm thể tích phổi và cắt túi khí (loại bỏ các túi khí trong phổi). Ghép phổi cũng có thể được chỉ định đối với trường hợp người bị phổi tắc nghẽn mãn tính quá nặng.

điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính

Các phương pháp điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính gồm: sử dụng thuốc, vaccine phòng ngừa và phẫu thuật. (Nguồn ảnh: Internet)

7. Bạn cần làm gì khi bị mắc phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD?

Khi phát hiện ra bất cứ dấu hiệu nào của phổi tắc nghẽn mãn tính, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở chuyên khoa để để khám và điều trị kịp thời.

- Loại bỏ nguyên nhân gây bệnh như bỏ hút thuốc lá, thuốc lào, tránh hít phải khói thuốc, giữ môi trường sống trong sạch, hẹn chế tiếp xúc với các loại khí độc hại, khói bụi,...

- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh.

Chế độ ăn uống của người bị phổi tắc nghẽn mãn tính phải lành mạnh và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. 

- Tích cực tập luyện thể dục để cải thiện sức khỏe tổng thể

- Trong trường hợp tình trạng phổi tắc nghẽn mãn tính ở mức độ nặng, người bệnh cần giữ số điện thoại của bác sĩ và một ai đó để có thể đưa bạn đi khám ngay khi bệnh có dấu hiệu trở nặng.

chế độ dinh dưỡng cho người bị phổi tắc nghẽn mãn tính

Người bị phổi tắc nghẽn mãn tính cần ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng. (Nguồn ảnh: Internet).

8. Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Căn bệnh nguy hiểm như vậy nhưng không phải ai cũng hiểu rõ cách phòng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì. Dưới đây sẽ là những cách hiệu quả giúp bạn cảm thấy khỏe hơn và giúp phổi không bị tổn thương.

8.1. Tập thể dục

Thường xuyên tập thể dục sẽ làm tăng độ dẻo dai của cơ thể và giúp và tăng cường sự hô hấp của cơ bắp.

8.2. Ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe

Những thực phẩm tốt sẽ giúp bạn kiểm soát tốt cân nặng của bản thân và cải thiện hơi thở, đặc biệt là khi bạn gắng sức.

8.3. Tránh hút thuốc

Ngoài việc bỏ hút thuốc, điều quan trọng hơn là bạn nên tránh không hít phải khói thuốc để vì nó làm phổi bị tổn thương nghiêm trọng hơn.

8.4. Chú ý khi bị ợ nóng

Ợ nóng là do acid dạ dày chảy lại vào đường ống thực quản. Điều này làm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trở nặng hơn và bạn cần khám bác sĩ ngay lập tức để điều trị bệnh kịp thời.

8.5. Khám sức khỏe định kỳ

Bạn cần lên lịch hẹn và khám bệnh thường xuyên, nhất là khi cơ thể có những biểu hiện bệnh bất thường, đặc biệt cần chú trọng theo dõi chức năng hoạt động của phổi.

phòng tránh phổi tắc nghẽn mãn tính

Thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe, phòng tránh phổi tắc nghẽn mãn tính. (Nguồn ảnh: Internet)

9. Các câu hỏi thường gặp về phổi tắc nghẽn mãn tính - COBD

9.1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có chữa được không?

Người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể được chữa khỏi hoàn toàn và phải sống chung với căn bệnh này suốt đời. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện tại đều có thể kiểm soát được tình trạng bệnh. Nếu người bệnh được chữa trị đúng cách thì vẫn có thể sống cuộc sống như người bình thường.

9.2. Người bị phổi tắc nghẽn mãn tính sống được bao lâu?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị chỉ có tác dụng kiểm soát tình trạng bệnh và điều trị dự phòng. Theo các chuyên gia y tế, người bị phổi tắc nghẽn mãn tính có thể sống được từ 15 đến 30 năm kể từ khi phát hiện bệnh. Nếu người bệnh kiểm soát bệnh tốt thì thời gian sống có thể kéo dài lâu hơn.

9.3. Các loại thuốc mà bệnh nhân nên sử dụng? 

Các loại thuốc điều trị COPD ngày nay rất hiệu quả. Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài nên được sử dụng thường xuyên để giữ cho đường thở của bạn được thông thoáng. Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn hoặc ống hít cứu hộ sẽ giúp mở đường thở của bạn trong trường hợp khẩn cấp. Bác sĩ cũng có thể kê đơn corticosteroid để giảm viêm trong đường thở và giúp thở dễ dàng hơn.

9.4. Bệnh nhân có nên tham gia phục hồi chức năng phổi không?

Theo bác sĩ, bất kỳ ai bị COPD có triệu chứng nên tham gia phục hồi chức năng phổi và bệnh nhân COPD không có triệu chứng cũng nên tham gia một chương trình duy trì. Chương trình sẽ dạy về bệnh của bạn và cách tập thể dục, tăng cường cơ thở và hoạt động tích cực hơn với tình trạng khó thở hơn. Các chương trình này sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

9.5. Bệnh nhân cần những loại vắc xin nào?

Khi bạn bị COPD, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc cảm lạnh có thể trở nên rất nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải tiêm phòng cúm và viêm phổi. Bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ để xác định xem bạn có nên chủng ngừa để bảo vệ chống lại bệnh ho gà (ho gà) hay không.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể phòng tránh được bằng cách tránh hút thuốc hay làm việc trong môi trường ô nhiễm. Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên chủ động tiêm phòng bệnh cúm và viêm phế cầu vì nó giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tới 50%. Bên cạnh đó, một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh và tập luyện thể dục thường xuyên cũng là yếu tố giúp phòng bệnh hiệu quả.


Tác giả: Phạm Trang