Bệnh nhân viêm gan B nên ăn gì? 4 điều nên nhớ để gan sớm khỏe

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Bệnh nhân viêm gan B nên ăn gì? 4 điều nên nhớ để gan sớm khỏe
Một chế độ ăn uống khoa học, giàu dinh dưỡng sẽ cải thiện quá trình điều trị bệnh viêm gan cũng như không khiến gan phải làm việc quá tải. Bệnh nhân viêm gan B nên ăn gì để hỗ trợ điều trị hiệu quả?

Viêm gan B có rất nhiều triệu chứng liên quan tới hệ thống tiêu hóa như khó tiêu, ăn không ngon, đầy bụng,…

Tình trạng này diễn ra lâu dài khiến bệnh nhân suy nhược cơ thể làm bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn. Vậy nên, câu hỏi bệnh nhân viêm gan B nên ăn gì rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh.

Vậy viêm gan B nên ăn gì cho tốt? Kính mời quý độc giả tham khảo trong nội dung dưới đây.

1. Uống đủ nước

Uống đủ nước là điều vô cùng quan trọng với cơ thể con người. Những bệnh nhân viêm gan B lại càng phải khắc cốt ghi tâm điều này nhiều hơn nữa.

Gan bị tổn thương kép theo khả năng đào thải độc tố giảm sút. Khi đó, nước rất cần bổ sung cho cơ thể để hạn chế gánh nặng cho gan. Liều lượng tối thiểu bệnh nhân cần bổ sung khoảng 1,5 lít – 2 lít mỗi ngày.

Bên cạnh nước, bệnh nhân cũng có thể sử dụng kèm theo nhiều loại nước khác như atisô, nhân trần, râu bắp, cà gai leo,… Những loại nước này đều có lợi cho gan, phổ biến và không quá phức tạp để chế biến, sử dụng. Sau một thời gian sử dụng các sản phẩm này, gan sẽ được làm mát, thải độc và được bảo vệ khỏi virus gây bệnh.

2. Bổ sung vitamin và khoáng chất

Bệnh nhân viêm gan B thường có sức đề kháng không cao. Sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy nên, thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất là câu trả lời quan trọng cho câu hỏi viêm gan B nên ăn gì.

Những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất bệnh nhân viêm gan B nên dùng nhiều có thể kể tới:

- Rau xanh: các  rau màu xanh như rau ngót, cải bó xôi, xúp lơ xanh, măng tây, rau muống,…

- Trái cây tươi: cam, quýt, cà chua, chanh,…cung cấp nhiều vitamin A, C để thải độc và cải thiện hệ miễn dịch cho cơ thể.

- Sữa: chứa nhiều vitamin D có lợi cho hoạt động của cơ thể con người.

3. Bổ sung nhiều chất xơ

Như một chiếc chổi dọn dẹp sạch sẽ con đường tiêu hóa, chất xơ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống giải độc của gan. Khi quá trình giải độc gặp vấn đề, quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ đóng vai trò quan trọng để giải tỏa cho gan. Chất xơ vì vậy mà có cơ hội phát huy tối đa công dụng của mình, trở thành nguồn bổ sung chất lượng cho danh sách viêm gan B nên ăn  gì.

Chất xơ có nhiều trong các thực phẩm liên quan tới thực vật. Loại chất này gồm hai loại: không tan trong nước và tan trong nước. Chất xơ không tan trong nước (tìm thấy ở cám lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt,…) có công dụng thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giảm chướng bụng, khó tiêu.

Chất xơ tan trong nước (có nhiều trong các loại trái cây, rau, đậy,…) được dùng để điều hòa lượng đường trong cơ thể, giảm cholesterol.

4. Chất béo và chất đạm

Nhiều bệnh nhân thường không hiểu rõ viêm gan B nên ăn gì nên kiêng thức ăn dầu mỡ và thịt. Họ cho rằng chất béo và chất đạm không có lợi cho quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, quan điểm này trên thực tế chưa chính xác.

Những thực phẩm chứa chất béo và chất đạm vẫn rất cần thiết cho cơ thể con người. Chúng hỗ trợ quá trình xây dựng, dự trữ năng lượng và chuyển hóa các chất. Bệnh nhân kiêng những thực phẩm này sẽ khiến chu trình trên không thể diễn ra ổn định, gây ảnh hưởng xấu tới chính sức khỏe bản thân.

Để bổ sung chất béo và chất đạm mà không ảnh hưởng tới sức khỏe, bệnh nhân có thể chú ý một vài lưu ý sau:

- Chất đạm nên bổ sung là đạm ít béo nhưng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao (thịt trắng, sữa tách béo, đậu nành,…).

- Nội tạng động vật cần tránh sử dụng.

- Lượng đạm bổ sung dao động trong khoảng 50 – 70gr. Bệnh trở nên xấu hơn thì giảm xuống các mức thấp hơn.

- Lượng dầu mỡ cần thiết mỗi ngày khoảng 15gr.

- Tốt nhất nên dùng dầu chiết xuất từ thực vật như dầu đậu nành, dầu vừng,…


Tác giả: Quang Anh