Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị
Rối loạn tiền đình là tình trạng bệnh lý làm mất cân bằng về tư thế. Tình trạng này khiến người bệnh thường xuyên quay cuồng, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, buồn nôn, đi đứng lảo đảo,…

1. Rối loạn tiền đình là gì?

Tiền đình là hệ thống thần kinh nằm ở hai bên ốc tai, có chức năng duy trì dáng bộ, tư thế, phối hợp cử động của đầu, mắt và cơ thể. Khi chúng ta thực hiện các động tác như xoay người, cúi, di chuyển,.... tiền đình cũng sẽ nghiêng lắc theo các động tác để giữ cân bằng cho cơ thể.

Rối loạn tiền đình xảy ra khi có tổn thương ở khu vực tai trong và não, khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch làm cho cơ thể mất cân bằng, ù tai, hoa mắt, buồn nôn, đi đứng lảo đảo,... Bệnh thường tái phát nhiều lần, làm ảnh hưởng tới công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

rối loạn tiền đình là gì

Rối loạn tiền đình xảy ra khi có tổn thương ở khu vực tai trong và não. (Nguồn ảnh: Internet)

Có thể bạn quan tâm:

Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?

Stress chính là thủ phạm gây ra rối loạn tiền đình

2. Triệu chứng rối loạn tiền đình

Các triệu chứng rối loạn tiền đình bao gồm:

- Chóng mặt, choáng váng, quay cuồng: đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của rối loạn tiền đình. Ban đầu, dấu hiệu này chỉ thoáng qua nhưng càng về sau mức độ càng nặng. Người bệnh sẽ có ảo giác như các vật xung quanh đang di chuyển, bị xoay tròn, bập bềnh, mơ hồ.

- Mất thăng bằng, không thể đứng vững, dễ bị ngã: đây cũng là một triệu chứng đặc trưng của rối loạn tiền đình. Cơ thể người bệnh sẽ lâng lâng, không thể đứng vững, cảm giác như bị say rượu, do đó dễ bị ngã.

- Tâm lý hoặc nhận thức thay đổi như khó tập trung, lo lắng quá mức, giảm khả năng chú ý: đầu óc người bệnh thường trong trạng thái lâng lâng, mơ hồ, hay bị mất tập trung và có cảm giác sợ ngã.

- Rối loạn thị giác: hoa mắt, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng,...

- Rối loạn thính giác: ù tai

- Các triệu chứng khác: tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, buồn nôn, nôn, huyết áp cao hoặc huyết áp thấp. Ở một số trường hợp, người bệnh còn bị run rẩy, tê chân tay, đau đầu,...

triệu chứng rối loạn tiền đình

Các triệu chứng rối loạn tiền đình gồm: chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, mất thăng bằng, ù tai,... (Nguồn ảnh: Internet)

3. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình

Những nguyên nhân phổ biến dẫn tới rối loạn tiền đình bao gồm:

- Do tai biến, thiếu máu, huyết áp thấp, các bệnh liên quan đến tim mạch… làm tắc nghẽn hoặc giảm lượng máu lên não.

- Mất ngủ liên tục, công việc căng thẳng, áp lực làm tổn thương hệ thống thần kinh. Khi đó, hệ thống tiền đình sẽ nhận thông tin không chính xác và sẽ đưa ra các chỉ dẫn sai, gây rối loạn.

- Do hậu quả của các bệnh như viêm tai giữa, viêm dây thần kinh, u dây thần kinh, u não,...

- Người quá gầy hoặc quá béo đều có nguy cơ bị rối loạn tiền đình

- Người cao tuổi bị suy giảm một số chức năng

- Người có cơ thể bị nhiễm độc, uống quá nhiều bia rượu, quan hệ tình dục không đều đặn,... cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình

- Lười vận động

- Những người sống trong môi trường có quá nhiều tiếng ồn, thời tiết chuyển mùa ( nóng - lạnh đột ngột)

nguyên nhân rối loạn tiền đình

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình gồm: tai biến, thiếu máu, mất ngủ, stress liên tục, lười vận động... (Nguồn ảnh: Internet)

4. Chẩn đoán rối loạn tiền đình

Để chẩn đoán rối loạn tiền đình, đầu tiên các bác sĩ sẽ khám lâm sàng cũng như hỏi bệnh sử của người bệnh để đánh giá chức năng hệ tiền đình cũng như loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng.

Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm sau:

- Ghi điện rung giật nhãn cầu (ENG): phương pháp này gồm các xét nghiệm điện và sử dụng các điện cực nhỏ đặt lên vùng da xung quanh mắt, nhằm ghi lại chuyển động của mắt để đánh giá triệu chứng rối loạn tiền đình và các vấn đề liên quan đến thần kinh.

- Xét nghiệm xoay vòng: phương pháp này sử dụng các điện cực và kính video để theo dõi chuyển động của mắc, mục đích nhằm đánh giá sự phối hợp của mắt và tai trong.

- Âm ốc tai (OAE): Xét nghiệm âm ốc tai đo sự phản ứng của các tế bào tóc với một loạt các cú nhấp được tạo ra bởi 1 loa nhỏ chèn vào trong ống tai, mục đích nhằm cung cấp thông tin về các tế bào lông trong ốc tai làm việc như thế nào. 

- MRI: phương pháp này sử dụng sóng radio và từ trường để tạo ra hình ảnh cắt ngang các mô cơ thể được quét. MRI được thực hiện để phát hiện sự bất thường về mô mềm, các khối u và đột quỵ có thể gây chóng mặt hoặc ngất.

5. Điều trị rối loạn tiền đình

Các phương pháp điều trị rối loạn tiền đình bao gồm:

- Liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình: Liệu pháp này bao gồm các bài tập về mắt, cơ thể và đầu. Mục đích giúp rèn luyện bộ não nhận biết và xử lý các tín hiệu từ hệ tiền đình cũng như phối hợp chúng bằng các tín hiệu từ việc nhìn và cảm nhận của cơ thể.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Điều chỉnh chế độ ăn uống được coi là phương pháp hữu hiệu trong việc hỗ trợ điều trị kiểm soát rối loạn.

- Thuốc: Nhiều người thường băn khoăn không biết rối loạn tiền đình uống thuốc gì? Thực tế, việc người bị rối loạn tiền đình có phải dùng thuốc hay không phụ thuộc vào giai đoạn mắc bệnh: giai đoạn đầu, cấp tính (kéo dài đến 5 ngày) hoặc mạn tính (kéo dài liên tục).

- Tập thể dục tại nhà: phương pháp này đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị rối loạn tiền đình. Người bệnh sẽ được chỉ định các bài tập phục hồi chức năng phù hợp, cùng với chương trình thể dục tiến bộ để giảm bớt căng thẳng và tăng năng lượng.

- Phẫu thuật: Trong trường hợp các phương pháp trên không phát huy hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để để kiểm soát tình trạng chóng mặt cũng như các triệu chứng khác.

6. Người bị rối loạn tiền đình nên ăn gì?

Người bị rối loạn tiền đình nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn nhạt, uống nhiều nước hay các thực phẩm nhiều chất xơ, vitamin. Bệnh nhân cần tránh sử dụng thực phẩm có hàm lượng muối, đường và cholesterol cao. Ngoài ra, thực phẩm chứa chất kích thích như thuốc lá, ruợu bia, cà phê cũng nên tránh sử dụng.

7. Người mang thai bị rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?

Các nghiên cứu hiện nay chưa chứng minh được liệu rối loạn tiền đình có ảnh hưởng tới sản phụ và thai nhi không. Dẫu vậy, sản phụ khi bị rối loạn tiền đình sẽ mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, chóng mặt…và ảnh hưởng gián tiếp tới sức khỏe thai nhi. Vậy nên, phụ nữ có tiền sử rối loạn tiền đình khi mang thai không nên làm việc quá sức, tránh stress, nghỉ ngơi nhiều,…

Tác giả: Quang Anh