3 phương pháp phẫu thuật ung thư amidan

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
3 phương pháp phẫu thuật ung thư amidan
Hiện nay có 3 phương pháp phẫu thuật ung thư amidan phổ biến nhất là phẫu thuật truyền thống, vi phẫu laser chuyển tiếp TLM, và sử dụng robot phẫu thuật miệng TORS.

1. Phương pháp phẫu thuật ung thư amidan truyền thống

Phương pháp này thường được sử dụng để loại bỏ các u còn sót lại sau khi xạ trị. Thông thường, các bác sĩ sẽ phẫu thuật qua đường miệng tự nhiên hoặc đi đường ngoài qua xương hàm. 

Nếu phẫu thuật qua đường miệng tự nhiên, các bác sĩ sẽ phải cắt mở rộng, đường rạch phải đi qua giữa trụ trước và rãnh liên hàm, cắt bỏ một phần màn hầu chỗ sát lưỡi gà, đi ra phía trụ sau vào trong rãnh lưỡi amidan. Đây là đường cắt khá phức tạp, cần chú ý tránh tổn thương các mạch máu lớn.

Nếu phẫu thuật đi đường ngoài qua xương hàm thì phải cắt khối gồm hạch cổ, amidan và góc xương hàm. Đường mổ rộng nên bác sĩ có thể quan sát và cắt bỏ các u hạch dễ dàng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng khi các khối u còn nhỏ hoặc có kích thước trung bình, chưa lan rộng.

2. Phẫu thuật ung thư amidan bằng phương pháp vi phẫu laser chuyển tiếp

Vi phẫu laser chuyển tiếp - Transoral Laser Microsurgery (TLM) là một hình thức phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để loại bỏ khối u vừa và nhỏ qua miệng. 

Vi phẫu laser chuyển tiếp thường được sử dụng để phẫu thuật ung thư amidan giai đoạn sớm, khi các khối u vẫn còn nhỏ. Phương pháp này sử dụng 1 ống nội soi và kính hiển vi để định hình các khối u. Một tia laser CO2 sẽ loại bỏ các khối u mà không cần mổ phanh bệnh nhân từ bên ngoài.

Chính vì vậy, đây là phương pháp phẫu thuật ung thư amidan rất được ưa chuộng. Bác sĩ có thể cắt bỏ khối u ung thư mà không có vết mổ bên ngoài. Phương pháp này cũng cho phép can thiệp vào các khối u không thể tiếp cận được bằng phương pháp phẫu thuật thông thường.

Vi phẫu laser chuyển tiếp không những được sử dụng để phẫu thuật ung thư amidan, amidan đáy lưỡi mà còn có thể phẫu thuật ung thư thanh quản, cổ họng, thực quản, các khối u ở trong khoang miệng và cổ.

Điểm nổi trội của phương pháp phẫu thuật này là ít thương tổn, bệnh nhân nhanh hồi phục. Kính hiển vi giúp các bác sĩ phẫu thuật xem rõ vị trí và viền lề của khối u, giảm thiểu số lượng các mô bình thường bị loại bỏ hoặc bị hư hỏng trong quá trình phẫu thuật. 

Chính vì vậy, bệnh nhân có thể giảm thiểu tối đa thương tổn, sau phẫu thuật ung thư amidan có thể nói và nuốt tốt hơn các phương pháp phẫu thuật khác.

3. Phẫu thuật ung thư amidan bằng phương pháp sử dụng robot phẫu thuật miệng

Robot phẫu thuật miệng (Transoral Robotic Surgery – TORS) là một sáng chế của trường đại học Pennsylvania (Mỹ). Hệ thống robots gồm có 3 phần chính là: một cánh tay có đèn nội soi, một cánh tay có nhiệm vụ nắm giữ, và một dụng cụ quang học có 2 camera ghi hình ảnh 3 chiều và phóng đại. 

Những ưu điểm của phương pháp phẫu thuật ung thư amidan bằng sử dụng robot phẫu thuật miệng:

- Đèn nội soi của TORS có độ sáng cực cao, các dụng cụ có khẩu độ chuyển động phù hợp cho phép thao tác phẫu thuật chuẩn xác và tinh vi hơn so với phương pháp nội soi truyền thống.

- Có thể can thiệp vào các vùng sâu và khuất mà không cần phẫu thuật mở rộng hầy và xương hàm, xâm lấn tối thiểu. Do đó, bệnh nhân có thể hồi phục nhanh hơn, chức năng nuốt và nói không bị ảnh hưởng nhiều. Đây cũng là lý do giúp TORS trở thành phương pháp phẫu thuật ung thư amidan ít biến chứng, tránh được các bệnh cấp tính.

- TORS có thể can thiệp vào khối u amidan dễ dàng qua đường miệng hoặc mũi nên không cần mổ rạch hàm, cổ hoặc tai, giảm các tác động liên quan đến thẩm mỹ.

- Không chỉ có tính chính xác cao, robot còn thao tác nhanh giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật. Trung bình mỗi ca phẫu thuật ung thư amidan kéo dài chưa tới 2 giờ.


Tác giả: Minh Vy