3 phương pháp điều trị trĩ phổ biến hiện nay

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
3 phương pháp điều trị trĩ phổ biến hiện nay
Trĩ là căn bệnh ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người bệnh. Tuy nó không nguy hiểm nhưng nếu để lâu dài thì sẽ để lại những biến chứng khó lường. Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị trĩ phổ biến đó là: nội khoa, thủ thuật, phẫu thuật.

Trĩ là bệnh đứng hàng đầu trong các bệnh lý hậu môn đến nhập viện. Trĩ là bệnh rất dễ nhận biết. Trong giai đoạn đầu, khi đi cầu bạn sẽ thấy có máu dính trên giấy vệ sinh . Về sau sẽ xuất hiện búi trĩ sa ra ngoài, có thể đau, ngoài ra người bệnh sẽ thấy ngứa rát, khó chịu…

Việc chọn phương pháp điều trị trĩ phải dựa trên mức độ nặng nhẹ của bệnh và loại bệnh trĩ nội hay trĩ ngoại. Hiện nay 3 phương pháp điều trị trĩ phổ biến hiện nay: nội khoa, thủ thuật, phẫu thuật.

1. Điều trị trĩ theo nội khoa

1.1. Thay đổi chế độ sinh hoạt hàng ngày

Đó là phương pháp điều trị trĩ nhằm ngăn chặn những yếu tố thuận lợi cho sự hình thành của bệnh trĩ. 

Một số nguyên tắc bạn cần lưu ý: 

- Tập thói quen đi cầu đều đặn hàng ngày

- Điều chỉnh thói quen ăn uống như: tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà, tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, nên ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước.

- Vận động thể lực

Bạn nên tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, đá cầu… sẽ giúp các nhu động ruột hoạt động tốt, tiêu hóa tốt và tuần hoàn máu vùng hậu môn tốt, không gây ra ứ trệ máu làm giảm nguy cơ căng phồng tĩnh mạch hậu môn, phòng ngừa bệnh trĩ.

1.2. Sử dụng thuốc

Có 2 loại thuốc gồm: thuốc uống và thuốc đặt. Cụ thể như sau:

- Thuốc uống

Là các loại thuốc chứa hoạt chất rutin (vitamin P),có tác dụng điều hòa tính thẩm thấu cùng gia tăng sức bền chắc thành của các tĩnh mạch, do đó làm giảm phù nề và giảm sung huyết những tĩnh mạch ở vùng trĩ, cầm máu đối với trĩ chảy máu, co búi trĩ. 

Nếu là trĩ ngoại, các bác sĩ sẽ tùy theo tình trạng bệnh để chỉ định cho bệnh nhân nên dùng liều bao nhiêu và như thế nào để điều trị tấn công và liều điều trị củng cố.

Ngoài thuốc tác động chính trên tĩnh mạch trĩ, có thể dùng thêm các loại thuốc khác như: kháng sinh, thuốc chống viêm, giảm đau, thuốc nhuận tràng… 

Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, đặc biệt phải kiên trì dùng thuốc đủ thời gian.

- Thuốc đặt hoặc thuốc bôi

Người ta thường dùng thuốc mỡ bôi lên vùng bị tổn thương có tác dụng tại chỗ. Các loại thuốc này có tác dụng giảm ngứa, sát trùng, chống viêm nhiễm.

Tuy nhiên biện pháp này chỉ có tác dụng giảm đau tức thời chứ không điều trị triệt để nguyên nhân. Các loại thuốc đặt vào trong vùng hậu môn nhưng thường là để chữa trị nội hơn.

2. Điều trị trĩ bằng thủ thuật

Đây là các thủ thuật đơn giản nhằm làm giảm lưu thông máu tới vùng trĩ, tuy nhiên thủ thuật này chỉ có thể đạt hiệu quả nếu như bệnh nhân đang ở giai đoạn đầu của bệnh, chưa tiến triển nặng. Phương pháp này không giải quyết được triệt để các búi trĩ, sau một thời gian có thể tái phát lại.

Các phương pháp chữa bằng thủ thuật hiện nay là: chích xơ, thắt trĩ bằng vòng cao su và phương pháp sử dụng tia hồng ngoại...

2.1. Chích xơ

Đây là phương pháp điều trị trĩ bằng cách tiêm thuốc làm xơ hóa vùng dưới niêm mạc để giảm lưu lượng máu đến búi trĩ. 

Thủ thuật này tuy đơn giản nhưng cần được thực hiện bởi những bác sĩ có tay nghề để đảm bảo rằng trong quá trình thực hiện không xuất hiện biến chứng như xuất huyết hoặc tiêm quá sâu vào tuyến tiền liệt, trực tràng.

2.2. Thắt trĩ bằng vòng cao su

Búi trĩ sẽ được cột, thắt lại bằng một vòng cao su nhỏ và sẽ hoại tử sau 3 - 4 ngày. Tuy hiệu quả cao, nhưng trong một số trường hợp vị trí thắt vẫn có nguy cơ bị xuất huyết, nhiễm trùng huyết, loét. 

Để thực hiện phương pháp này, chúng ta nên tìm một cơ sở đảm bảo chất lượng và uy tín.

2.3. Quang đông hồng ngoại

Là một trong những phương pháp điều trị phổ biến dùng sức nóng tia hồng ngoại để làm cho mô bị đông lại và tạo sẹo xơ, giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, đồng thời cố định trĩ vào ống hậu môn.

Nó được cho là một phương pháp điều trị hiệu quả nhưng lại khiến bệnh nhân phải phải đi tái khám nhiều lần.

3. Điều trị bằng phẫu thuật

Người bệnh được gây mê trong quá trình phẫu thuật và sử dụng thuốc giảm đau sau đó. Thông thường, sau khoảng 7 – 10 ngày người bệnh sẽ hồi phục, không còn cảm giác đau nữa và có thể sinh hoạt, làm việc bình thường.

Sau khi phẫu thuật cắt trĩ, người bệnh không cần thiết phải ở lại viện qua đêm. Nhiều trường hợp mắc trĩ nặng, bị lâu năm, có biến chứng thường phải phẫu thuật cắt búi trĩ. Các loại phẫu thuật bao gồm:

3.1. Phẫu thuật cắt khoanh niêm mạc da

Phẫu thuật này có thể triệt để búi trĩ nhưng dễ gây ra hẹp hậu môn và rò dịch ở hậu môn. Đây là phương pháp điều trị trĩ bằng cách cắt khoanh niêm mạc cùng với lớp dưới niêm mạc có các búi tĩnh mạch trĩ, sau đó kéo niêm mạc từ trên xuống khâu với da ở hậu môn.

3.2. Phẫu thuật cắt từng búi trĩ

Cắt riêng biệt từng búi trĩ một, để lại ở giữa các búi trĩ các mảnh da - niêm mạc. Phẫu thuật này có mặt tích cực là sẽ tránh được các biến chứng của bệnh sau phẫu thuật nhưng mặt tiêu cực là đau sau mổ, thời gian nằm viện dài, thời gian trở lại lao động muộn và không hiệu quả trong các trường hợp trĩ vòng.

3.3. Phẫu thuật Longo

3 phương pháp điều trị trĩ phổ biến hiện nay - Ảnh 3.

Phẫu thuật longo, phương pháp điều trị trĩ (Ảnh: internet)

Đây là một trong những phương pháp được áp dụng nhiều vì không đau, thời gian nằm viện ngắn, nhanh phục hồi, là phẫu thuật sử dụng máy khâu vòng để cắt một khoanh niêm mạc trên đường lược khoảng 2-3 cm và khâu vòng bằng máy bấm. 

Phương pháp này có thể giảm được lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ để thu nhỏ thể tích trĩ và treo được đệm hậu môn vào ống hậu môn. 

3.4. Khâu treo trĩ bằng tay

Đây là phương pháp cải tiến từ phẫu thuật Longo để giảm chi phí cho mỗi ca phẫu thuật. Nguyên tác là làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ để thu nhỏ thể tích khối trĩ và treo búi trĩ lên ống hậu môn bằng các mũi khâu tay khâu xếp nếp niêm mạc trên đường lược 2-3 cm.

3.5. Khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler

Đầu dò siêu âm Doppler gắn liền trong một ống soi hậu môn, qua dụng cụ này bác sĩ dò tìm 6 động mạch và khâu cột ở vị trí trên đường lược 2cm. Ưu điểm của phương pháp này là không đau và bảo tồn được đệm hậu môn.

4. Một số những lưu ý khi lựa chọn phương pháp điều trị trĩ:

- Đối với trĩ nội

Tùy từng cấp độ mà bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên điều trị bằng thủ thuật hay phẫu thuật cắt búi trĩ. Thường trĩ nội độ 1, độ 2 chỉ cần điều trị nội khoa hoặc thủ thuật, trĩ nội đội 3, độ 4 mới cần thiết phải phẫu thuật.

- Đối với trĩ ngoại

Bệnh trĩ ngoại không được khuyên điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, trừ khi bệnh trĩ đã đến giai đoạn cuối, bị nhiễm trùng và sưng tấy thậm chí lở loét.



Tác giả: Trương Xuân