3 nguyên tắc quan trọng trong điều trị gai cột sống

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
3 nguyên tắc quan trọng trong điều trị gai cột sống
Để nâng cao hiệu quả điều trị, người mắc gai cột sống phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị. Các nguyên tắc điều trị gai cột sống sẽ giúp hạn chế và kiểm soát tốt hơn tình trạng bệnh.

Các nguyên tắc điều trị gai cột sống được xây dựng nhằm kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả hơn. Thông thường, nguyên tắc điều trị sẽ không có nhiều thay đổi trong suốt quá trình điều trị. Do đó, người bệnh cần ghi nhớ 3 nguyên tắc điều trị bệnh gai cột sống sau đây.

1. Ưu tiên điều trị gai cột sống chủ yếu bằng phương pháp bảo tồn

Phẫu thuật không phải là phương pháp được khuyến khích trong điều trị gai cột sống. Thông thường người mắc gai cột sống sẽ được yêu cầu điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Đặc biệt là khi bệnh vừa khởi phát hoặc đang ở mức độ nhẹ. Phương pháp bảo tồn trong điều trị gai cột sống bao gồm:

Sử dụng các loại thuốc Tây y

Các loại thuốc không kê đơn như paracetamol và ibuflophen thường được sử dụng trong quá trình điều trị. Chúng có tác dụng giảm đau, kháng viêm hiệu quả và người bệnh có thể dùng tại nhà. Ngoài ra, một số người bệnh còn sử dụng thuốc tiêm steroid để cắt nhanh cơn đau và chống viêm. Tuy nhiên, các loại thuốc này sẽ gây ra tác dụng phụ nếu người bệnh lạm dụng trong thời gian dài.

Sử dụng các bài thuốc Đông y

Điều trị gai cột sống bằng bài thuốc Đông y cũng là phương pháp phổ biến hiện nay. Tác dụng chung của các bài thuốc này là nuôi dưỡng cột sống, bào mòn gai xương từ bên trong. Đồng thời chúng còn giúp phục hồi các tổn thương do biến chứng của gai cột sống gây ra. Hiệu quả của phương pháp phụ thuộc rất lớn vào cơ địa và có thời gian điều trị kéo dài. Do đó, các bài thuốc Đông y thường được kết hợp cùng các phương pháp khác để nâng cao chất lượng điều trị.

Vật lý trị liệu

Là phương pháp phổ biến và thường được áp dụng với các bệnh nhân bắt đầu mắc gai cột sống. Phương pháp này giúp kéo dãn cột sống và các khớp xương của người bệnh, hạn chế tình trạng chèn ép. Thông thường, người bệnh gai cột sống sẽ được điều trị bằng phương pháp trị liệu bằng tác nhân vật lý, trị liệu cơ động học hoặc vận động trị liệu.

2. Kiểm tra thường xuyên các triệu chứng

Người mắc gai cột sống nên uống thuốc đều đặn và thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra. Việc này giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh và tránh được các biến chứng do bệnh gây ra. Gai cột sống không thể điều trị dứt điểm nhưng nếu điều trị đúng cách bệnh sẽ không gây nguy hiểm cho người bệnh.

Nhiều bệnh nhân vẫn thường có thói quen chủ quan trong việc điều trị gai cột sống. Do đó, họ thường bỏ qua các cuộc kiểm tra định kỳ và không thực hiện đúng yêu cầu của bác sĩ. Đây là nguyên nhân khiến bệnh khó kiểm soát hơn và bắt buộc phải điều trị bằng cách phẫu thuật.

Nghiêm trọng hơn, một số người bệnh còn áp dụng các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng. Việc sử dụng các phương pháp truyền miệng hay thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây ra các hiểm hoạ khôn lường.

3. Cần kết hợp với dinh dưỡng và luyện tập

Dinh dưỡng và vận động là những yếu tố được quan tâm hàng đầu trong điều trị gai cột sống. Người bệnh không nên ỷ lại vào các phương pháp điều trị mà quên đi việc chăm sóc sức khoẻ bản thân, bởi việc tự chăm sóc có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị và giúp hỗ trợ cho quá trình điều trị. Do đó, bệnh nhân đang điều trị gai cột sống cần phải lưu ý đến các vấn đề sau đây:

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các loại thực phẩm tốt cho xương, khớp.

- Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn, chất kích thích nguy hại cho sức khoẻ.

- Cân đối thời gian nghỉ ngơi và vận động.

- Tập luyện một số môn thể thao tốt cho xương khớp như: yoga, chạy bộ, đạp xe, bơi lội…

- Tránh vận động quá sức, đặc biệt là các vận động ở lưng và cột sống.

Tuân thủ các nguyên tắc điều trị là điều bắt buộc trong điều trị gai cột sống. Thực tế cho thấy, người bệnh có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh nhờ tuân thủ nguyên tắc điều trị. Vì vậy, dù điều trị bằng phương pháp nào người bệnh cũng đừng quên 3 nguyên tắc này nhé!


Tác giả: Thùy Dung