3 căn bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh gout

Tham vấn chuyên môn:
3 căn bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh gout
Bệnh gout dễ bị chẩn đoán với một số bệnh lý về khớp khác do những triệu chứng lâm sàng tương tự. Việc chẩn đoán nhầm khiến cho việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn khi xác định không chính xác bệnh nhân đang mắc căn bệnh nào.

Gout là căn bệnh về khớp xảy ra do rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Bệnh gout ban đầu thường không có triệu chứng cụ thể, thường phát hiện khi các khớp tay chân sưng đau nhức. Mặc dù hầu hết các bệnh nhân gout thường bị tăng acid uric trong máu tuy nhiên cũng có trường hợp bị gout nhưng không tăng chỉ số này.

Ngoài ra, nếu chỉ có tăng acid uric máu thì cũng chưa thể khẳng định người đó mắc gout. Để chẩn đoán xác định gout, bệnh nhân cần được thực hiện một số xét nghiệm lâm sàng khác như chọc dịch khớp, soi  kính hiển vi để tìm tinh thể acid uric. Tuy nhiên, nếu không có, cũng không loại trừ gout. Việc tìm các u cục (hạt tophi) cũng giúp cho chẩn đoán bệnh.

Biểu hiện của bệnh gout cấp tính cũng có thể giống với nhiễm trùng khớp, do vậy nếu nghi ngờ, bạn cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân cụ thể.

Những bệnh có thể nhầm lẫn với bệnh gout

1. Viêm khớp dạng thấp  dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh gout

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh thường gặp liên quan đến bệnh tự miễn dịch, viêm mạn tính tổ chức liên kết màng hoạt dịch, tổn thương chủ yếu ở khớp ngoại vi, bệnh tiến triển từ từ dẫn tới teo cơ biến dạng dính và cứng khớp.

Viêm khớp dạng thấp thường dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh gout, gặp chủ yếu ở phụ nữ chiếm đến 80% các trường hợp ở tuổi trung niên. Biểu hiện của bệnh này viêm ở các khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay, khớp gối cổ chân...  Các khớp vai, háng, cột sống ít bị, nếu bị thì thường ở giai đoạn muộn. Các khớp viêm có tính chất đối xứng, có cứng khớp buổi sáng.

Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở cùng một lúc nhiều khớp, kéo dài dai dẳng và hầu như không liên quan nhiều đến chế độ ăn uống. Trong khi đó, bệnh gout gặp chủ yếu ở nam giới - chiếm đến 90%, đặc trưng là viêm cấp ở một khớp có tính chất di chuyển, khi viêm chuyển qua khớp khác thì khớp viêm cũ gần như bình thường.

Viêm khớp dạng thấp thì đau nhiều khớp cùng một lúc, các khớp bị viêm có tính chất đối xứng, đau từ từ, cứng khớp vào buổi sáng. Cơn đau gout thì ngược lại, có thể đau dữ dỗi từ 3-5 ngày và liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống nhiều đạm và bia rượu.

Yếu tố quan trọng là xét nghiệm máu bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có yếu tố thấp RF (+), và chọc dịch khớp bệnh nhân gout soi kính hiển vi tìm thấy tinh thể hình kim muối urat.

2. Thoái hóa khớp

Người bị thoái hóa khớp cũng có cơn đau nhức và cứng khớp, các khớp cử động khó.

Thoái hóa khớp là tình trạng thoái hóa loạn dưỡng của  khớp biểu hiện sớm nhất ở sụn đệm giữa hai đầu xương, sau đó có biến đổi ở bề mặt khớp và hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến biến dạng khớ,  kèm theo là phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ma sát ở điểm nối giữa hai đầu xương.

Căn bệnh này thường gặp ở cả nam và nữ. Khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 và 85% người trên tuổi 80 có nguy cơ mắc bệnh. Khoảng 2/3 số bệnh nhân là phụ nữ. Sau tuổi 45, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới (gấp khoảng 1,5- 2 lần).

Phụ nữ sau khi mang thai và sinh con thường dễ mắc thoái hóa khớp. Các biểu hiện của bệnh chủ yếu như sau:

- Đau âm ỉ ở phần tiếp nối giữa hai đầu xương và cứng khớp (xảy ra theo định kỳ như khi vừa ngủ dậy hoặc đứng lên)

- Sưng tấy tại một hoặc nhiều khớp, có tiếng lạo xạo, lụp cụp  khi co duỗi khớp gối, càng vận động càng đau nhiều.

- Nóng, sưng đỏ tại các khớp trong trường hợp bệnh nhân mắc thêm bệnh lý khác

- Thường gặp ở các vị trí: ngón tay, gót chân, khớp gối, cột sống cổ, khớp háng, khớp vai cổ tay, cột sống thắt lưng...

Về cường độ đau, thoái hóa khớp và bệnh gout khác nhau cơ bản ở: cơn đau thoái khớp thường không kéo dài, đau nhẹ, không có hiện tượng sưng, nóng, đỏ đau.

3. Thấp tim

Thấp tim cũng là một căn bệnh có những triệu chứng gần giống bệnh gout do vậy cũng dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán. Bệnh thường gặp ở độ tuổi thiếu niên (trẻ từ 5 – 15 tuổi ) ít gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, và người trên 25 tuổi.

Thấp tim là một bệnh viêm dị ứng xảy ra do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết Beta nhóm A (thường gặp ở viêm họng, thanh quản) gây tổn thương tại tổ chức liên kết trong cơ thể theo cơ chế miễn dịch dị ứng mà chủ yếu là tim, khớp, thần, thần kinh trung ương và tổ chức dưới da.

Các vị trí viêm thường gặp là khớp gối, khớp cổ tay cổ chân, hiếm gặp ở các khớp háng. Bệnh có thể chữa khỏi mà không để lại di chứng gì.

Biểu hiện của bệnh thấp tim:

- Các khớp bị viêm có sưng nóng đỏ đau và di chuyển nhanh trong vòng một vài ngày đến một tuần.

Khác nhau cơ bản với bệnh gout là thấp tim thường xảy ra ở thiếu niên, bệnh xuất hiện sau nhiễm trùng đường hô hấp trên, xét nghiệm ASLO (+).

Mặc dù bệnh gout dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về khớp khác, tuy nhiên vẫn có thể nhận biết một số dấu hiệu điển hình của bệnh gout như sau:

- Viêm khớp cấp tính với tính chất đơn độc tái diễn

- Vị trí viêm khởi phát thường là khớp bàn ngón chân cái

- Tính chất viêm dữ dội kéo dài từ 3 – 10 ngày.

- Xét nghiệm tìm thấy tinh thể muối urat trong dịch khớp hay trong hạt tophi.


Tác giả: TMH