3 bước khám và chẩn đoán quan trọng giúp phát hiện ung thư sớm

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
3 bước khám và chẩn đoán quan trọng giúp phát hiện ung thư sớm
Với các phương pháp hiện đại ngày nay, ung thư có thể phát hiện từ rất sớm, khi người bệnh chưa có bất kỳ triệu chứng nào. Nhờ đó, việc điều trị sẽ dễ dàng và cơ hội sống sẽ cao hơn.

Bước 1: Khám lâm sàng

Khám lâm sàng nhằm mục đích phát hiện bất thường, tìm kiếm khối u, đánh giá nguy cơ ung thư. Nếu như bạn chưa biết mình có nguy cơ mắc bệnh ung thư nào, cần tầm soát ra sao, thì đây là bước quan trọng để trả lời câu hỏi trên.

Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tuổi tác, nghề nghiệp, triệu chứng bất thường, tiền sử bệnh của bản thân và gia đình… Sau đó, quan sát và tìm kiếm các hạch bất thường, nốt ruồi, khối u… trên cơ thể người bệnh. Trên sơ sở này, bác sĩ sẽ tư vấn nên tầm soát loại ung thư nào, thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh phù hợp nhất. Người bệnh nên tầm soát ung thư tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu để được bác sĩ tư vấn, chỉ định, cũng như đọc kết quả chính xác.

Bác sĩ Lê Văn Bảo - Khoa Ung bướu, Bệnh viện Thu Cúc lấy ví dụ, bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc ung thư vú, bác sĩ có thể khuyên tầm soát vú và buồng trứng… Những người hút thuốc lá, nhất là trong thời gian dài hoặc làm việc trong môi trường độc hại, bác sĩ sẽ khuyên nên sàng lọc ung thư phổi, v.v.

Ảnh 3.

Khám lâm sàng nhằm mục đích phát hiện bất thường, tìm kiếm khối u, đánh giá nguy cơ ung thư

Bước 2: Các xét nghiệm

- Xét nghiệm máu

Có nhiều loại xét nghiệm máu được sử dụng trong tầm soát ung thư nhằm tìm kiếm dấu hiệu khối u hoặc đánh giá nguy cơ ung thư của người bệnh. Chẳng hạn: xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi phát hiện bệnh bạch cầu, xét nghiệm viêm gan B, C đánh giá nguy cơ ung thư gan… Ngoài ra, xét nghiệm dấu ấn ung thư CA 125 có thể gợi ý ung thư buồng trứng; CA 15-3 ung thư vú; CEA, CA 19-9 ung thư đường tiêu hóa, AFP gợi ý ung thư gan... Các xét nghiệm này chưa thể khẳng định chính xác, mà cần kết hợp phương pháp chẩn đoán khác.

- Xét nghiệm nước tiểu

Có thể gợi ý các bệnh ung thư đường tiết niệu.

- Xét nghiệm tìm máu trong phân

Sàng lọc ung thư đại trực tràng hoặc một số bệnh ung thư đường tiêu hóa khác.

- Xét nghiệm sinh hóa

Xét nghiệm sinh hóa như Pap hoặc ThinPrep, HPV: Xét nghiệm dành cho nữ giới giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.

Bước 3: Chẩn đoán hình ảnh, nội soi thăm dò chức năng

Chẩn đoán hình ảnh, nội soi thăm dò chức năng có thể cho thấy hình ảnh chi tiết bên trong các cơ quan trong cơ thể, hình ảnh khối u, kích thước khối u, vị trí di căn.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT)… Nội soi thăm dò chức năng gồm nội soi tai mũi họng, dạ dày, đại tràng. Trong quá trình nội soi nếu phát hiện polyp hoặc khối u, cũng có thể thực hiện cắt bỏ hoặc sinh thiết đồng thời.

Bác sĩ Lê Văn Bảo cho biết, tầm soát ung thư là thủ tục đơn giản, tùy từng loại bệnh mà thời gian thăm khám có thể chỉ khoảng một vài tiếng. 

Đối với những người không có bất thường nào, có thể thực hiện định kỳ mỗi năm 1 lần. Với những người có bất thường, bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng. Hiện nay các bệnh viện cũng xây dựng rất đa dạng các gói khám sàng lọc ung thư, để mọi người có thể lựa chọn tùy theo mong muốn cũng như sức khỏe của mình. 

Sau 3 bước cơ bản tầm soát ung thư, nếu phát hiện khối u hoặc tổn thương nghi ngờ ung thư, bác sĩ có thể chỉ định thêm phương pháp chuyên sâu khác để khẳng định bệnh, xác định giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn… để tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

*Bài viết có sử dụng tư liệu của một số Bệnh viện và các trung tâm chăm sóc sức khỏe


Tác giả: MN