10 điều cần biết để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
10 điều cần biết để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú
Ung thư vú là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm, vậy những nguy cơ nào khiến tăng khả năng mắc bệnh ung thư vú?

Theo nghiên cứu, có đến 1/8 phụ nữ mắc phải căn bệnh ung thư vú. Độ tuổi của bệnh nhân ngày càng trẻ hóa. Ngoài di truyền, thì còn có rất nhiều các nguyên nhân khác khiến tăng nguy cơ mắc bệnh này:

1. Ung thư vú có khả năng di truyền.

Theo thống kê, thì có 3% các ca mắc ung thư vú chắc chắn là do di truyền. Nếu tiền sử gia đình bạn có người mắc bệnh thì bạn nên sớm đi tầm soát ung thư.

2. Các sản phẩm khử mùi có thể gây ra bệnh ung thư vú

Dù chưa chắc chắn, nhưng đã có nghiên cứu chỉ ra các hợp chất nhôm trong các sản phẩm ngăn mồ hôi làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Hợp chất nhôm tích lũy trong mô vú gây ra một số đặc tính như oestrogen, thúc đẩy ung thư vú phát triển. Vì vậy chúng ta nên hạn chế sử dụng các sản phẩm hóa chất trên cơ thể.

3. Rượu và thuốc lá gây ra nhiều loại bệnh khác nhau, không loại trừ ung thư vú

Ai cũng biết rõ tác hại của rượu và thuốc lá. Nó không chỉ gây bệnh ung thư vú, mà còn là ung thư phổi, ung thư miệng, dạ dàng, bàng quang, cổ tử cung,.... Sử dụng rượu quá khuyến cáo, dù chỉ 1 đơn vị mỗi ngày cũng làm tăng 10% khả năng mắc ung thư vú. 

4. Thừa cân có liên quan đến bệnh ung thư vú không? 

Mỡ là yếu tố quan trọng giúp cơ thể sản sinh ra oestrogen. Mặt khác oestrogen là chất nội tiết thúc đẩy ung thư vú hình thành và phát triển. Vì vậy bạn cần duy trì cân nặng hợp lý. Đặc biệt, phụ nữ sau mãn kinh bị béo phì, có khả năng bị ung thư vú rất cao.

5. Nếu thấy khối u ở vú, có chắc chắn là bị ung thư vú không?

Khối u ở vú có thể là u lành tính, cũng có thể là khối u ung thư. U lành tính có tên gọi chung là u xơ tuyến vú: u nang, u nhiễm trùng, vú cương cứng khi đến kì kinh nguyệt,... U vú lành tính thường không nguy hiểm, chỉ cần phẫu thuật loại bỏ. Tuy nhiên, với những người từng bị u vú lành tính thì khả năng mắc ung thư vú cũng cao hơn những trường hợp khác.

6. Thuốc thay thế hooc-mon làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Theo thống kê, có khoảng 4% các ca mắc ung thư vú có liên quan tới các liệu pháp thay thế hooc-mon. Vì vậy bạn không nên lạm dụng các loại thuốc này, dù chúng có tác dụng giúp thời kì mãn kinh trở nên dễ chịu hơn.

7. Mặc áo ngực chật có gây ung thư vú không?

Nhiều giả thuyết cho rằng, mặc áo ngực chật sẽ khiến các mô bị chèn ép, dòng bạch huyết bị ngưng trệ, gây tích tụ độc tố, tạo nên các khối u ưng thư. Tuy nhiên điều này là không có cơ sở. Mặc áo ngực chật không hề gây bệnh ung thư vú. Tuy nhiên bạn cũng nên chọn cho mình những chiếc áo phù hợp để thoải mái và tự tin hơn.

8. Ung thư vú ở nam giới có phổ biến không?

Bệnh ung thư vú rất hiếm gặp ở nam giới. Nguyên nhân có thể là do nam giới có mô vú ít hơn rất nhiều so với nữ giới, và nội tiết tố rất khác biệt giữa hai giới. Tuy nhiên, ung thư vú ở nam giới thường khó phát hiện, khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy nam giới cũng cần trang bị cho mình những kiến thức về căn bệnh này.

9. Nên tự kiểm tra ngực với tần suất như thế nào?

Bạn có thể tự kiểm tra tạ nhà, trong lúc tắm, bằng cách xát xà phòng và massage ngực để phát hiện u cục. Quan sát bằng cách giơ 2 tay cao quá đầu, đứng trước gương, sau đó chống tay lên hông, để kiểm tra những thay đổi ở da ngực. 

Mỗi tháng bạn nên tự kiểm tra 1 lần. Tránh kiểm tra trong lúc có kinh nguyệt. Bởi kinh nguyệt cũng khiến ngực cương cứng và sưng to hơn bình thường.

10. Khám sàng lọc ung thư vú

Mọi người nên đến các bệnh viện để xét nghiệm, chuẩn đoán ung thư định kì hàng năm sau 40 tuổi. Với phụ nữ từ 20 - 40 tuổi thì nên khám 3 năm một lần.


Tác giả: Mai Nhung